Việt Nam là điểm sáng trong 'bức tranh xám màu' của kinh tế toàn cầu

Sáng 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 5 có ý nghĩa quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Theo Phó Thủ tướng, tình hình KTXH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Những nhận định, đánh giá Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cơ bản phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo

Trong giai đoạn 2019 - 2022, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới (tăng 74%), riêng năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực"). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (cao hơn số đã báo cáo 18,3 nghìn tỷ đồng); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% (đã báo cáo 6,4 - 11,5%). Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; đến hết năm 2022 đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn; đồng thời xuất cấp 25 nghìn tấn gạo, hỗ trợ cho 492 nghìn hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những hạn chế, khó khăn của năm 2022, trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả…

Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, quan trọng trong năm 2023

Báo cáo về năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Chính phủ nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01, trong đó tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách…

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%. Thu NSNN 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Quy hoạch tổng thể quốc gia và phê duyệt nhiều quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố được công bố.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung triển khai (khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); hoàn thành, đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc. Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nêu những hạn chế, tồn tại. Theo đó, tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp. Thu NSNN có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%).

Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 3 CTMTQG và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95%

Để khắc phục bất cập, khó khăn và thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Chính phủ đã nêu rõ nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả. Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh triển khai dự án.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-la-diem-sang-trong-buc-tranh-xam-mau-cua-kinh-te-toan-cau-128390.html