Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế

Triển vọng tăng trưởng kinh tế, thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã và đang được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đánh giá cao.

Nhiều tờ báo và các chuyên gia quốc tế đã tập trung lý giải về thành công của Việt Nam trong tăng trưởng, cũng như thu hút nguồn vốn FDI.

Trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương" được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào ngày 28/10, tổ chức này tiếp tục dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 7% và tăng trưởng trong năm 2023, theo xu thế giảm chung sẽ ở mức 6,2%. Việt Nam là điểm sáng trong tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận xét: "Cho đến nay các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn khá hiệu quả. Lạm phát ở Việt Nam được duy trì ở mức thấp hơn so với nhiều nước. Tỷ giá hối đoái giảm ít hơn so với nhiều nước khác trong khu vực. Đà tăng trưởng vẫn tích cực và Việt Nam vẫn là một quốc gia có các nền tảng cơ bản mạnh mẽ trong tương lai".

Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.

Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.

Tờ TheStar của Malaysia nhấn mạnh, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,4 tỷ USD - đánh dấu mức cao kỷ lục trong 5 năm.

"Ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính và gắn kết xã hội đang là lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn này, tức là ở Việt Nam có mức độ rủi ro thấp. Nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, họ đang tìm kiếm những điểm đến ổn định và có thể dự đoán trước được lợi nhuận", ông Chheang Vanarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), Campuchia cho hay.

Tờ Manila Times đưa ra nhận định, nền kinh tế Đông Nam Á dự báo sẽ tăng trưởng 4 đến 5% hàng năm trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến từ 5 đến 7%. So với khu vực khác, ASEAN đang có lợi thế về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Trong số các khu vực mới nổi, ASEAN có nhóm trẻ em lớn nhất.

Ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhận định: "Hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và là thị trường hấp dẫn để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, giai đoạn dân số vàng trong khoảng 20 - 30 năm nữa sẽ qua đi, khi đó làm thế nào để Việt Nam vẫn duy trì được sự hấp dẫn của mình, tôi nghĩ chìa khóa nằm ở đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào".

Nhiều tờ báo khác như CNBC, Bloomberg, Eurasiareview cũng đã đưa ra những lý giải về thành công thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đã tiến lên trong Bảng xếp hạng Mức độ Dễ Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ hạng 98 năm 2012 lên hạng 70 vào năm 2020, nhảy vọt qua các nền kinh tế đang phát triển khác cũng khao khát thu hút USD đầu tư.

Theo VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/viet-nam-la-diem-sang-ve-tang-truong-kinh-te/20221030025623624