Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên Mỹ ưu tiên đàm phán thuế đối ứng
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phiên đàm phán đầu tiên về chính sách thuế đối ứng của Việt Nam với Mỹ sẽ được tiến hành vào ngày 7/5 tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Báo Dân trí
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, trong đó có vấn đề đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán thuế đối ứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực.
Đồng thời cho biết Việt Nam là một trong nhóm 6 nước đầu tiên Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán thuế đối ứng (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia).
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, "Việt Nam đã bắt đầu đàm phán với Mỹ, dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra ngày 7/5".
Nhiều giải pháp đàm phán thuế đối ứng với Mỹ
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực trao đổi trên các kênh chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh…; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm, đẩy nhanh tiến độ những dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc đàm phán với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, cũng như không làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đồng thời quán triệt khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Cùng với đó, khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ.