Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu cho các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Theo trang CNBC, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Các công ty đa quốc gia hiện nay đang thực hiện quá trình đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sang nhiều quốc gia. Và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nổi lên như một lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn đa dạng hóa sản xuất.

Trong một báo cáo tháng 5, các nhà kinh tế của OCBC cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam đã tăng lên 236 tỷ USD vào năm 2023 so với mức trung bình hàng năm là 190 tỷ USD vào giai đoạn 2020-2022.

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh: John Harper | Photodisc | Getty Images

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh: John Harper | Photodisc | Getty Images

Dòng vốn chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

"Khu vực ASEAN-6 đã hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cũng như việc áp dụng chiến lược Trung Quốc+1. Dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào khu vực cũng tăng lên, trong đó sản xuất và một số dịch vụ nhận được phần lớn dòng vốn," các nhà kinh tế của OCBC cho biết.

Việt Nam

Việt Nam đã trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn công nghệ Apple khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ này đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm.

Các dòng sản phẩm của thương hiệu táo khuyết được cho là đang sản xuất tại Việt Nam, bao gồm: MacBook, iPad và Apple Watch.

Ông Yinglan Tan, đối tác quản lý sáng lập của Insignia Ventures Partners cho biết Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của các chuỗi cung ứng nhờ có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp.

Theo các báo cáo địa phương, Việt Nam đã trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn của Samsung, đồng thời là cơ sở sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh của Samsung.

"Việt Nam có thêm lợi thế như chi phí lao động cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có rất nhiều hiệp định thương mại tự do, giúp việc xuất khẩu sang các thị trường khác, chẳng hạn như EU trở nên dễ dàng hơn rất nhiều", ông Kai Wei Ang, chuyên gia kinh tế ASEAN tại BofA Securities cho biết.

Malaysia

Malaysia đã chứng kiến các công ty bán dẫn bao gồm Intel, GlobalFoundries và Infineon thiết lập hoặc mở rộng hoạt động tại nước này trong vài năm qua.

Ông Kuo-Yi Lim, đồng sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Monk's Hill ở Đông Nam Á nhận định Malaysia đã chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ trong lĩnh vực bán dẫn, thu hút các khoản đầu tư mới từ các công ty như Intel.

Các nhà quan sát trong ngành cũng nhấn mạnh lợi thế của Malaysia luôn là nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip cũng như chi phí vận hành tương đối thấp.

"Không chỉ câu chuyện bán dẫn ở Malaysia đang phát triển. Có nhiều khoản đầu tư hơn vào các trung tâm dữ liệu đã đi vào hoạt động, đặc biệt là trong vài tháng qua và có lẽ còn có các lĩnh vực khác như năng lượng mặt trời, các thành phần liên quan đến EV. Vì vậy, Malaysia đang nhận được nhiều khoản đầu tư", chuyên gia kinh tế Kai Wei Ang cho biết.

Indonesia

Đảo quốc Indonesia vốn có nguồn tài nguyên đồng, niken, coban và bauxite dồi dào - rất quan trọng để sản xuất pin xe điện.

"Indonesia cũng là một quốc gia thú vị và đang hy vọng nổi lên trở thành một trung tâm xe điện tích hợp. Có lẽ vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng họ đang tìm cách mở rộng quy mô công suất trên toàn bộ chuỗi cung ứng", ông Ang nhấn mạnh.

Chính phủ Indonesia đang thu hút các công ty xe điện bằng cách cung cấp các ưu đãi để thành lập cơ sở sản xuất tại địa phương.

Bộ Công nghiệp nước này hồi đầu tháng 6/2024 cho biết đã ký thỏa thuận với 4 công ty Trung Quốc – Neta, Wuling, Chery và Sokon.

Theo báo cáo địa phương, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD có kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại xe điện ở Indonesia vào năm 2026.

Singapore

Theo báo cáo của ASEAN Briefing, Singapore là "điểm đến ưu việt" cho các công ty muốn thành lập trụ sở khu vực cũng như mở rộng khắp khu vực.

"Ngày nay, sự đa dạng hóa này không chỉ mở rộng đến các doanh nghiệp toàn cầu như Apple và chuỗi cung ứng mà còn cả các doanh nhân và công ty khởi nghiệp đang tìm cách xây dựng doanh nghiệp toàn cầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia của Insignia Ventures Partners cho biết.

Đặc biệt, Singapore đã trở thành điểm đến cho những doanh nhân muốn đặt trụ sở cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Các công ty Trung Quốc bao gồm TikTok và Shein đã thành lập trụ sở khu vực tại Singapore, nơi được coi là cơ sở ổn định trong bối cảnh có những trở ngại về địa chính trị.

"Với vị thế là trung tâm đáng tin cậy về cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý, Singapore sẽ tiếp tục thu hút các công ty đang tìm kiếm cơ sở ở châu Á trong những thời điểm này", ông Kuo-Yi Lim nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-diem-den-hang-dau-cho-cac-cong-ty-da-dang-hoa-chuoi-cung-ung-20240625153846194.htm