Việt Nam là tấm gương sáng đối với nhân dân Venezuela trong cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Việt Nam là tấm gương sáng đối với nhân dân Venezuela trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người dân Venezuela ngưỡng mộ sự kiên định, tinh thần kỷ luật và niềm tin của người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đó là nhận định của Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về ý nghĩa lịch sử của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam.

Phóng viên: Được biết, ông là người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam. Dù đã ở tuổi 80, ông vẫn tích cực tham gia gìn giữ và tôn tạo Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, một công trình tiêu biểu, thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Được biết ông đã từng đến thăm Việt Nam, xin ông cho biết những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt của ông về chuyến thăm đó?

Tiến sĩ Carolus Wimmer: Tôi đã đến thăm Việt Nam 3 lần vào các năm 2016, 2017 và 2022. Năm 2016 là lần đầu tiên tôi đến Thủ đô Hà Nội để tham dự Hội nghị quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân. Ngoài các hoạt động chính thức của Hội nghị, bao gồm các cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật và làm việc với một số cơ quan của Việt Nam.

Trong đó, tôi ấn tượng nhất là các cuộc gặp với một số nhân vật hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân như: Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Venezuela.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã vinh dự có bài nói chuyện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời tham gia lễ khai trương Văn phòng hợp tác Việt Nam-Venezuela thực hiện dự án trồng lúa Việt Nam tại Venezuela.

Trước khi đến Việt Nam, trong tâm trí tôi luôn hình dung về một Việt Nam anh hùng, dũng cảm chiến đấu chống đế quốc Mỹ; về các hoạt động thể hiện tình đoàn kết của chủ nghĩa quốc tế vô sản đối với Việt Nam, đặc biệt là “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” năm 1964 tại Venezuela.

Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam, tôi thấy một đất nước Việt Nam hòa bình, không còn tàn tích của chiến tranh. Tôi cảm nhận được sự bảo tồn của các giá trị văn hóa truyền thống tại Việt Nam, đồng thời với sự phát triển năng động hướng tới tương lai.

Người dân Việt Nam tích cực lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ nỗ lực học tập, cống hiến để xây dựng đất nước công nghiệp hóa hiện đại hóa, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tôi rất ấn tượng với tính cách vui vẻ, hòa nhã, hiếu khách của người dân Việt Nam. Đặc biệt tôi rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Tôi mong ước có thể sớm thăm lại Việt Nam.

Phóng viên: Như ông từng chia sẻ, trong tâm trí ông, Việt Nam luôn là một đất nước anh hùng, kiên cường trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Chỉ còn ít ngày nữa, nhân dân Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Xin ông cho biết đánh giá của mình về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này?

Tiến sĩ Carolus Wimmer: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi đã kết thúc cuộc kháng chiến của quân, dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tiến sĩ Carolus Wimmer phát biểu tại buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela phối hợp với Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

Tiến sĩ Carolus Wimmer phát biểu tại buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela phối hợp với Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

Chiến thắng này thể hiện chủ nghĩa anh hùng, đạo đức và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây cũng là một sự kiện quốc tế lớn có ý nghĩa sâu sắc.

Theo tôi, Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào tình hình thực tế của thế giới và trong nước để xác định đường lối kháng chiến và tổ chức thực hiện phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năm 1964, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược. Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc. Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975, Đảng Cộng sản Việt Nam coi miền bắc là hậu phương vững chắc, do đó sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Miền nam là mặt trận lớn và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam quyết định trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này cho thấy sự sáng suốt và đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vai trò quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ và kéo dài.

Đối với người dân và đất nước Việt Nam, sự tàn phá của chiến tranh khó có thể được đong đếm bằng những số liệu thống kê. Tuy nhiên, một phần nào đó thông qua những con số cũng cho thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Số lượng bom mìn mà quân đội Mỹ rải xuống lãnh thổ Việt Nam nhiều hơn gấp bốn lần so với số lượng mà Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hàng trăm nghìn người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến này.

Sự đồng lòng, đoàn kết quân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng cho dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng ghi nhận sự đóng góp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong thắng lợi này. Người dân Việt Nam đã chiến đấu vì lẽ phải và đã giành chiến thắng vẻ vang cách đây 50 năm.

Chiến thắng 30/4 không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với các nước Đông Dương và quốc tế, đánh dấu sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Lào và Campuchia, đồng thời làm “mất mặt” đế quốc Mỹ và đồng minh.

Phóng viên: Như nhận định của ông, Chiến thắng 30/4 không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam mà với các nước Đông Dương và quốc tế. Vậy chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Venezuela, thưa ông?

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi đã kết thúc cuộc kháng chiến của quân, dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng này thể hiện chủ nghĩa anh hùng, đạo đức và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây cũng là một sự kiện quốc tế lớn có ý nghĩa sâu sắc.

Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam

Tiến sĩ Carolus Wimmer: Việt Nam là tấm gương sáng đối với nhân dân Venezuela trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người dân Venezuela ngưỡng mộ sự kiên định, tinh thần kỷ luật và niềm tin của người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tổng thống Nicolas Maduro đã tuyên bố “người dân Venezuela chúc mừng các con cháu Bác Hồ vì sự quyết tâm và lòng dũng cảm. Một tấm gương cho thế giới”.

Tại Venezuela, học thuyết quân sự mới chú trọng nhiều đến tình đoàn kết quân dân là do học tập từ kinh nghiệm “chiến tranh nhân dân” của Việt Nam đã giúp giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo tôi, thắng lợi của Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ xuất phát từ hai yếu tố then chốt. Thứ nhất, người dân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm từ cuộc chiến chống phát xít Nhật vào những năm 1940 và cuộc chiến chống thực dân Pháp vào những năm 1950. Thông qua các cuộc chiến này, người dân Việt Nam đã củng cố ý thức độc lập, chủ quyền, nhận thức vai trò quan trọng của quân đội và kinh tế trong một cuộc chiến.

Thứ hai là tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội Nhân dân. Việt Nam đã thực hiện thắng lợi “chiến tranh nhân dân” với việc lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt kết hợp với việc xây dựng cơ sở vũ trang toàn dân, biến nơi làm việc, trường đại học, đồng ruộng thành các đơn vị chiến đấu, mỗi người dân đều là một chiến sĩ, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Điều này đã huy động được sức mạnh của nhân dân, bảo đảm cho thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của Việt Nam.

Phóng viên: Được biết, trong 10 năm gần đây, ông đã có 3 lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Với những quan sát và trải nghiệm thực tế, ông cảm nhận như thế nào về quá trình phát triển của Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay?

Tiến sĩ Carolus Wimmer: Việt Nam là tấm gương sáng không chỉ trong chiến đấu kiên cường vì độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ mà còn trong nỗ lực phát triển đất nước. Nhân dân Venezuela rất ngưỡng mộ những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Sau khi thống nhất đất nước, ngoài sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh, Việt Nam còn đối mặt với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 80% dân số. Cơ sở hạ tầng lạc hậu và xuống cấp. Các thế lực thù địch tiếp tục chính sách cô lập, bao vây cấm vận nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam nỗ lực cải thiện kinh tế thông qua việc áp dụng chế độ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, tuy nhiên không đem lại kết quả như kỳ vọng, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ quyết định tiến hành cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện công cuộc “Đổi mới”, chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường.

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, đã đổi mới tư duy kinh tế, từ kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đặc biệt thuộc nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã đạt gần 4.300 USD. Việt Nam đã hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, tạo ra nền kinh tế mở và tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư. Nền kinh tế mở của Việt Nam rất lớn, là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thị trường.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn liền với an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó việc giải quyết hậu quả chiến tranh vẫn còn khó khăn, khi có khoảng 30.000 người Việt Nam vẫn mất tích, ngoài nạn nhân chất độc da cam và bom mìn còn sót lại.

Tiến sĩ Carolus Wimmer phát biểu tại lễ dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại đại lộ Bolívar, thủ đô Caracas nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Venezuela (18/12/1989-18/12/2024), 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

Tiến sĩ Carolus Wimmer phát biểu tại lễ dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại đại lộ Bolívar, thủ đô Caracas nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Venezuela (18/12/1989-18/12/2024), 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

Phóng viên: Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, ông có thể chia sẻ thông tin về những hiện vật được trưng bày tại đây?

Tiến sĩ Carolus Wimmer: Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam được thành lập năm 2020, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn cho nên đến tháng 01/2025 chúng tôi mới có trụ sở ở trung tâm thủ đô Caracas.

Hiện nay, chúng tôi đang cải tạo 2 văn phòng và 3 phòng họp, trong đó một phòng sẽ được thiết kế riêng cho Trường cán bộ Hồ Chí Minh, một phòng hội thảo. Theo đó, chúng tôi sẽ cố gắng để thiết kế không gian riêng dành tập luyện múa truyền thống Việt Nam và võ Vovinam.

Đối với các hiện vật để trưng bày tại Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, chúng tôi tích cực phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela, Hội Hữu nghị Venezuela, Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam tìm kiếm, sưu tầm các hình ảnh, hiện vật; góp phần đưa Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ Venezuela hiểu rõ hơn về quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện Venezuela-Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Carolus Wimmer!

KHÁNH LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-la-tam-guong-sang-doi-voi-nhan-dan-venezuela-trong-cuoc-dau-tranh-gianh-doc-lap-va-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-post872826.html