Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước chống tra tấn
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước CAT, Việt Nam đã không ngừng cố gắng, nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn
Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Ngày 12-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Trên cơ sở Đề án tuyên truyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.
Trong đó, đáng chú ý, năm 2019, Bộ Công an đã phát hành cuốn sách với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn” và cấp phát 10.000 cuốn cho các bộ, ngành, địa phương. Năm 2020, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Cuộc thi video tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với 2.530 tác phẩm dự thi và các hoạt động tuyên truyền thông qua sân khấu hóa.
Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện hàng nghìn lớp giáo dục pháp luật, lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ, lớp dạy nghề, lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV, AIDS cho hàng chục nghìn lượt phạm nhân hằng năm. Riêng trong năm 2022, Việt Nam đã tổ chức 2255 lớp giáo dục pháp luật cho 713.856 lượt phạm nhân; 153 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 3688 lượt phạm nhân, cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho 685 lượt phạm nhân; 237 lớp dạy nghề cho 7539 lượt phạm nhân; 660 lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 142.147 lượt phạm nhân.
Việt Nam đã ban hành Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027. Việc này nhằm góp phần bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn
Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong phổ biến, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Học viện Clingendael và các cơ quan liên quan tổ chức 10 khóa tập huấn, mỗi khóa 2 lớp cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường CAND với mục tiêu sau khi kết thúc các khóa tập huấn này, các cán bộ, chiến sĩ đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân; phối hợp với UNDP Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền Công ước CAT trên các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam như Phú Thọ, Sa Pa, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.
Nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Công ước
Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng loạt quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn cũng như đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cao hơn cho lực lượng thực thi pháp luật.
Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại; nhiều quy định trong các văn bản này đã trả lời đúng và trúng các quan tâm, thắc mắc của Ủy ban Chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài.
Chỉ tính riêng từ ngày 1-11-2018 đến 31-12-2022, trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử nói chung, Việt Nam đã ban hành 34 văn bản triển khai thi hành. Chúng ta đã ban hành 8 văn bản về thi hành tạm giữ, tạm giam; 38 văn bản về thi hành án hình sự; 4 văn bản về khám, chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ; 25 văn bản về khiếu nại, tố cáo; 6 văn bản về bào chữa, trợ giúp pháp lý; 12 văn bản về quy tắc đạo đức nghề nghiệp; 6 văn bản xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, công chức và viên chức; 24 văn bản để cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hành chính; 5 văn bản về cải cách tư pháp; 18 văn bản về dân chủ cơ sở; ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và 10 văn bản về bồi thường thiệt hại...
Có thể thấy, chúng ta đã tích cực triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong cơ sở giam giữ phạm nhân, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng CAND.
Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung.
Việt Nam đã thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, đặc biệt là đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Bộ Công an thông qua số điện thoại 113 hoặc 0692326555; đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đường dây nóng về bảo vệ trẻ em qua số điện thoại 111.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc là nhằm hướng đến xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, trong đó có quyền không bị tra tấn; đồng thời tiến hành xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi.
Trên cơ sở các thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẩn trương tổ chức triển khai áp dụng các quy định này, qua góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của người dân nói chung và quyền của những người có nguy cơ bị tra tấn nói riêng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thực thi công quyền, từ đó, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tra tấn.
Xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất và định kỳ về thực hiện Công ước chống tra tấn
Bên cạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước chống tra tấn, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban Chống tra tấn. Theo đó, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban Chống tra tấn vào năm 2017; trình bày và bảo vệ các thông tin, số liệu, nội dung mà Việt Nam đã nêu trong Báo cáo quốc gia lần thứ nhất trước Ủy ban Chống tra tấn vào năm 2018.
Sau Phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất, ngày 7-12-2018, Ủy ban Chống tra tấn Liên hiệp quốc đã ban hành Báo cáo giữa kỳ đánh giá về việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn tại Việt Nam. Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Ủy ban Chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị này vào tháng 10-2020, trong đó đã cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.
Cùng với đó, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn, với sự hỗ trợ ban đầu của UNDP Việt Nam, ngày 14-2-2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn. Trên cơ sở bám sát các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban Chống tra tấn, Kế hoạch này đã giao cho các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị bằng các hoạt động cụ thể, cụ thể như: (i) Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện khuyến nghị 7 về định nghĩa và hình sự hóa hành vi tra tấn trong pháp luật quốc gia; (ii) Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì thực hiện khuyến nghị 29 về không chấp nhận lời khai có được do tra tấn; (iii) Bộ Tư pháp và Bộ Công an chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17, 21, 31 về các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản; (iv) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 17 và 42 về khiếu nại; (v) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các khuyến nghị 15, 21, 23, 29 về điều tra, truy tố, xét xử.
Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. Theo đó, dự thảo Báo cáo sẽ được tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và rộng rãi ý kiến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội.
Có thể khẳng định, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (viết tắt là Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT) là một trong chín điều ước cốt lõi của Liên hiệp quốc về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, có liên quan trực tiếp, toàn diện đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công an.
Công ước được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 10-12-1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26-6-1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn.
Ngày 28-11-2014, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc vào ngày 5-2-2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7-3-2015.