Việt Nam làm Chủ tịch Kỳ họp thứ 14 Ủy ban đầu tư, doanh nghiệp và phát triển của UNCTAD
Diễn ra từ ngày 29/4 tại thành phố Geneva, Thụy Sỹ, Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban đầu tư, doanh nghiệp và phát triển thuộc khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển UNCTAD có sự tham gia của đại diện tất cả các quốc gia thành viên của UNCTAD, một số cơ quan chuyên môn, cơ quan liên chính phủ, cơ quan xúc tiến đầu tư và tổ chức phi chính phủ.
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã được bầu làm Chủ tịch của Kỳ họp này.
Kỳ họp là cơ hội để các quốc gia thành viên và và các bên liên quan về đầu tư và phát triển thảo luận về các vấn đề lớn và mới nổi trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp và công nghệ, những tác động của chúng đối với sự phát triển bền vững, trao đổi các giải pháp, chính sách hiệu quả để các bên tham khảo. Nội dung chính của Kỳ họp lần này tập trung vào: (i) những phát triển mới nhất về xu hướng và chính sách trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp và khoa học công nghệ cho phát triển; (ii) các thực tiễn tốt nhất trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh doanh và đầu tư nhằm hỗ trợ phát triển bền vững, cũng như hướng phát triển trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ đầu tư và kinh doanh kỹ thuật số để phát triển rộng rãi hoạt động của chính phủ điện tử; (iii) khai thác công nghệ blockchain (chuỗi khối) để phát triển bền vững, cũng như những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc áp dụng công nghệ blockchain.
Dưới sự điều hành của Đại sứ Mai Phan Dũng, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các nội dung chính. Nhóm 77 và Trung Quốc đánh giá cao đối với công việc và phân tích của UNCTAD về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các dòng đầu tư khác trong Báo cáo Đầu tư thế giới (WIR) hàng năm, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc không có đủ nguồn vốn đầu tư cần thiết để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đáng kể cả đầu tư công và tư nhân để đạt được các SDGs trước thời hạn 2030. Nhóm châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ các sáng kiến của UNCTAD về tạo thuận lợi đầu tư; hoan nghênh việc đưa chủ đề về công nghệ blockchain tại Kỳ họp vì nó đang trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững; lưu ý rằng mặc dù đã đạt được tiến bộ đáng kể nhưng khu vực ASEAN vẫn có không gian để cải thiện, thu hút, tạo điều kiện và duy trì đầu tư bằng cách sử dụng nhiều hơn các công nghệ kỹ thuật số. Nhóm các nước châu Phi tái khẳng định sự cần thiết của đầu tư chiến lược và bền vững ở châu Phi để giải quyết sự biến động của FDI cũng như khoảng cách thiếu hụt về cơ sở hạ tầng quan trọng; đánh giá vai trò quan trọng của công nghệ, thương mại kỹ thuật số trong việc giúp các quốc gia vượt qua các rào cản để thu hút đầu tư bền vững theo ba trụ cột: xã hội, kinh tế và môi trường.
Ủy ban dự kiến tiếp tục thảo luận các nội dung chính của Kỳ họp trong các ngày 30/4-2/5 và bế mạc vào ngày 3/5. Bên cạnh đó, các nước cũng sẽ nghe trình bày, thảo luận và thông qua hai báo cáo của Ủy ban, gồm Báo cáo cuộc họp chuyên gia về đầu tư, đối mới và khởi nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững, và Báo cáo của Nhóm công tác liên chính phủ gồm các chuyên gia về chuẩn mực kế toán và báo cáo quốc tế.
Việc Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Chủ tịch tại Kỳ họp của một Ủy ban thuộc khuôn khổ UNCTAD thể hiện sự đánh giá cao của UNCTAD và các quốc gia thành viên đối với chính sách và thành tựu trong thu hút đầu tư, phát triển bền vững của Việt Nam những năm vừa qua, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo… cũng là các nội dung trọng tâm mà UNCTAD hướng tới.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, chủ động của mình tại UNCTAD nói riêng và các diễn đàn quốc tế khác của Liên hợp quốc nói chung. Với việc Việt Nam được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, UNCTAD mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong thời gian tới, mong đợi Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các nước đang phát triển khác với những câu chuyện cải cách và phát triển thành công của mình.
UNCTAD là cơ quan thường trực liên Chính phủ do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964, có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ, thuộc Nhóm các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc.
UNCTAD hoạt động ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu với mục tiêu tối đa hóa các cơ hội thương mại, đầu tư và phát triển của các nước đang phát triển và hỗ trợ họ hội nhập vào nền kinh tế thế giới trên cơ sở công bằng, thông qua ba trụ cột: phân tích và nghiên cứu chính sách để đưa ra các báo cáo, thảo luận và trao đổi liên chính phủ nhằm xây dựng sự đồng thuận và xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia.
Các báo cáo của UNCTAD về các chủ đề đầu tư, thương mại điện tử, công nghệ và đổi mới sáng tạo… cung cấp nhiều thông tin, phân tích có giá trị về tác động của đại dịch, chiến tranh, suy thoái đến các lĩnh vực, ngành nghề, cũng như nhiều tư vấn chính sách cho Chính phủ các nước.
Trọng tâm hoạt động của UNCTAD là tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, thúc đẩy thương mại xanh và bao trùm, chuyển đổi số, bình đẳng giới trong thương mại, cải cách bộ máy và cấu trục để UNCTAD hiệu quả hơn trong các hoạt động, nhất là trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên, cũng như tăng cường tiếng nói và vai trò của UNCTAD trong các vấn đề thương mại toàn cầu.