Việt Nam - Liên bang Nga: Khai mở hợp tác khoa học và công nghệ
Việt Nam là đối tác đặc biệt lâu năm của Liên bang Nga, là đối tác có mối quan hệ mang tính chất hữu nghị truyền thống. Việc phát triển sâu rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam đang và sẽ luôn là hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Sự hợp tác của Liên bang Nga với Việt Nam đang phát triển trên tất cả lĩnh vực theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và có tính đến lợi ích của nhau. Tính năng động cao của mối quan hệ trong năm 2021 tiếp tục được khẳng định bất chấp đại dịch Covid-19. Đặc biệt, chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào cuối năm 2021, 2 bên đã ra thông cáo chung về tầm nhìn phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam đến năm 2030. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với lãnh đạo cao cấp Liên bang Nga và lãnh đạo các công ty hàng đầu của Nga, cũng như việc ký kết một loạt văn bản chủ chốt trong nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam có tình cảm đặc biệt đối với nước Nga, coi Nga là ưu tiên rất quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, là người bạn thân tình, là đối tác đáng tin cậy. Chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam trong tất cả lĩnh vực, khẳng định mối quan hệ hữu nghị và thiện cảm chân thành của nhân dân 2 nước.
Đến nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Nga tại ASEAN. Theo kết quả của năm 2021, kim ngạch thương mại tương hỗ đạt 5,7 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2019). Trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2020. Các lĩnh vực có nhiều triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư của Nga là sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng điện, dầu khí, lắp ráp công nghiệp và công nghệ cao. Bên cạnh đó, có 9 dự án mới có vốn đầu tư của Nga đã được đăng ký tại Việt Nam, với tổng số vốn lên tới 944 triệu USD.
Đặc biệt, lĩnh vực nhiên liệu - năng lượng vẫn là trụ cột của sự hợp tác kinh tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua, với đầu tàu là Liên doanh Vietsovpetro. Năm nay, Vietsovpetro kỷ niệm 40 năm ngày thành lập liên doanh bằng những thắng lợi quan trọng như khai thác 3,1 triệu tấn dầu và 83,6 triệu m3 khí, đưa vào vận hành 34 công trình biển, bao gồm các giàn BK mới tại mỏ Bạch Hổ. Bên cạnh đó, tương lai của mối quan hệ Nga - Việt Nam thuộc về thế hệ trẻ. Bởi vậy, chúng tôi rất nỗ lực để mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Việt Nam nằm trong số dẫn đầu về số lượng người theo học tại Nga (hơn 6.000 người). Trong năm học này, Nga đã cấp cho Việt Nam 965 học bổng Chính phủ, còn năm tới là 1.000 học bổng.
Xây dựng đặc khu kinh tế về khoa học - công nghệ
Một bộ phận cấu thành quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, là mối quan hệ ở cấp độ giữa các địa phương. Trong đó, địa phương tham gia tích cực nhất trong phát triển mối quan hệ với các địa phương ở Nga là TPHCM - đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, nơi “ươm mầm” những cải cách và ý tưởng táo bạo. Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TPHCM, luôn theo dõi sát sao những tiến trình kinh tế-xã hội và những biện pháp được áp dụng của TP, nhằm củng cố vững chắc vị trí của mình với tư cách là trung tâm tầm khu vực về kinh tế-thương mại, đầu tư, công nghệ và trao đổi văn hóa. Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm phát triển sâu rộng hơn nữa sự hợp tác với Nga trong các lĩnh vực truyền thống, cũng như các lĩnh vực mới.
Việc thành lập TP Thủ Đức - TP trong TP đầu tiên tại Việt Nam, là một trong những sự kiện quan trọng cốt lõi trong thập niên gần đây, không chỉ trong đời sống của TPHCM, còn trên phạm vi cả nước. Tới năm 2035 Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ được hình thành, TP Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân công nghệ cao và tạo xung lực phát triển cho TPHCM. Điều này sẽ tạo nên “hiệu ứng tràn” đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sang các tỉnh lân cận tập trung tiềm năng công nghiệp mạnh mẽ của khu vực miền Nam.
Trong thời gian gần đây, Tổng Lãnh sự quán đã nhận được sự phản hồi tích cực từ một loạt địa phương Nga, trong đó có tỉnh Moskva và Sverdlovsk, Saint-Petersburg, Vladivostok và Cộng hòa Tatarstan về việc thiết lập mối quan hệ trực tiếp và hợp tác kinh tế với TP Thủ Đức. Các sáng kiến của phía Nga đã được nêu ra tại các cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương các cấp và lãnh đạo “thung lũng Silicon Hồ Chí Minh” SHTP vào cuối năm 2021. Trong đó có đề nghị của Cộng hòa Tatarstan về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, trung tâm nghiên cứu chế tạo đã nhận được sự quan tâm lớn từ các đối tác Việt Nam. Đó là phía Việt Nam đã tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Nga tiến vào thị trường Việt Nam.
Cộng hòa Tatarstan nằm trong số những địa phương dẫn đầu tại Liên bang Nga về chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, cũng như về mức độ sử dụng công nghệ tin học và áp dụng công nghệ mới. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền Liên bang Nga, Tatarstan đang thực hiện dự án TP đổi mới quy mô lớn với tên gọi “Đặc khu kinh tế Innopolis”.
TP của tương lai này có nhiều điểm tương đồng với TP Thủ Đức, xây dựng các khu công nghệ, trung tâm nghiên cứu chế tạo, khu đa chức năng, trường đại học IT đầu tiên của Nga, cũng như hệ thống hạ tầng xã hội và dân cư hiện đại. Vì vậy, các lĩnh vực hợp tác có thể bao gồm cả vấn đề nội địa hóa hoạt động ứng dụng kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam tại “Innopolis”, để nhận các ưu đãi và ưu tiên cho hoạt động tại thị trường Nga, mở các phòng thí nghiệm liên doanh với các doanh nghiệp trú đóng trong SHTP, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Phát triển mối quan hệ giữa TP Thủ Đức với các địa phương Nga về công nghệ mới và đào tạo cán bộ cho lĩnh vực này, sẽ góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt.