Việt Nam luôn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Việt Nam xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (QCN) là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, với chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã không ít lần phủ nhận nỗ lực và thành tựu đạt được của Việt Nam về vấn đề QCN, đồng thời xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trên lĩnh vực này.
* Nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại
Theo Sổ tay phóng viên về QCN của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT-TT, QCN hay nhân quyền (tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy LHQ, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con ngươi.
QCN có một số tính chất cơ bản như: Được đảm bảo bằng các tiêu chuẩn quốc tế; được pháp luật bảo vệ; tập trung vào phẩm giá con người; bảo vệ các cá nhân và các nhóm người; quy trách nhiệm lên nhà nước và các công chức, viên chức nhà nước. QCN có tính phổ biến, không thể chuyển nhượng, không thể phân chia, liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau.
Dù có nhiều định nghĩa khác nhau của các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu về QCN, nhưng xét chung, QCN thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
Ở Việt Nam, cùng với thuật ngữ QCN, thuật ngữ nhân quyền cũng được sử dụng phổ biến. Cả hai từ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Anh “human rights” - có thể được dịch là QCN (thuần Việt) hoặc nhân quyền (Hán - Việt). Xét về mặt ngôn ngữ học, QCN và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa, có thể sử dụng cả hai từ này trong nghiên cứu, truyền thông và hoạt động thực tiễn về nhân quyền, trong đó ưu tiên sử dụng từ thuần Việt.
Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rằng: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”.
* Đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, bền bỉ để giành lại những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người - đó là quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền được tự quyết định vận mệnh của mình.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã mở đầu bằng các đoạn trích nói về các quyền cơ bản của con người: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ), “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp). Và Người đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Chính vì lẽ đó, biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc thanh xuân cùng tính mạng đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, quyền cơ bản, thiêng liêng nhất của con người, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới: “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Đến nay, LHQ đã thông qua 9 công ước chủ chốt về nhân quyền. Trong đó, Việt Nam đã tham gia 7 công ước chủ chốt và 2 công ước đang xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ QCN và luật nhân đạo quốc tế. Sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 1994, Việt Nam đã từng bước phê chuẩn 8/8 công ước cơ bản của tổ chức này trong khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc cơ bản trong lao động. Có thể nói, đây là mức độ cam kết rất cao, kể cả so với nhiều quốc gia phát triển, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 là sự kế thừa và phát triển các chế định QCN, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó có riêng chương II với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
* Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền
Sách Thành tựu bảo vệ và phát triển các QCN ở Việt Nam - Sách trắng nhân quyền Việt Nam năm 2018 nêu rõ 5 quan điểm của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền:
Một là, QCN là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại. QCN mang tính phổ biến nhưng khi áp dụng cần phù hợp đặc thù của các quốc gia, dân tộc. Do đó, khi tiếp cận vấn đề QCN, cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với các điều kiện đặc thù về lịch sử, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, chế độ chính trị, trình độ phát triển ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia. Đồng thời, cần tiếp cận toàn diện, tổng thể tất cả các QCN về dân sự, chính trị cũng như về kinh tế - xã hội - văn hóa.
Hai là, chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc tự quyết, QCN có mối quan hệ mật thiết và thống nhất với nhau. Thực thi QCN phải dựa trên cơ sở bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Nếu dân tộc không được độc lập, chủ quyền quốc gia không được xác lập thì không thể có QCN.
Ba là, QCN là sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, giữa quyền và lợi ích cá nhân với quyền và lợi ích cộng đồng. Mọi người dân Việt Nam được thực hiện các quyền và tự do cá nhân mà pháp luật không cấm, nhưng việc thực hiện quyền và tự do cá nhân đó không được xâm phạm đến việc thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và của cộng đồng.
Bốn là, QCN liên quan mật thiết đến hòa bình, an ninh và phát triển; trong đó bảo đảm QCN là điều kiện tiên quyết để giữ gìn hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; đồng thời, một xã hội có hòa bình, ổn định và phát triển mới có thể tạo môi trường an toàn và nguồn lực cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các QCN.
Năm là, việc bảo đảm và thúc đẩy QCN trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có thể có những khác biệt trong cách tiếp cận về QCN. Để thu hẹp khác biệt, tăng cường hiểu biết, Việt Nam ủng hộ đối thoại và mở rộng hợp tác về QCN, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời kiên quyết phản đối mọi biểu hiện áp đặt, sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Mới đây, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng LHQ khóa 78 đã thảo luận nội dung thúc đẩy và bảo vệ các QCN, với sự tham gia đông đảo của các nước thành viên LHQ. Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ việc tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các QCN. Việc chính trị hóa vấn đề QCN và can thiệp vào công việc nội bộ sẽ không mang lại giải pháp hiệu quả.