Việt Nam mong muốn các tập đoàn dược uy tín trên thế giới đồng hành khai phá những 'cánh cửa mới'

CLO) Dự tọa đàm với 15 tập đoàn dược hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp dược lớn của Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết phía Việt Nam mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong các công đoạn khác nhau trong ngành dược mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng.

Sáng 22/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, tọa đàm với chủ đề: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức theo hình thức ăn sáng làm việc. Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng khoảng 15 tập đoàn dược hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp dược lớn của Việt Nam.

 Các đại biểu dự tọa đàm với chủ đề: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ".

Các đại biểu dự tọa đàm với chủ đề: "Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số - tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ".

Thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; định hướng phát triển ngành dược Việt Nam bền vững, từng bước hiện đại, chú trọng bảo đảm an ninh thuốc.

Đáng chú ý, sẽ bổ sung các chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho ngành dược được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật để khuyến khích phát triển (các dự án đầu tư khoảng 120 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng, sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ là chìa khóa cho sự phát triển và là động lực then chốt để ngành dược phẩm phát triển bứt phá. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật… để mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc; đặc biệt là trong tối ưu hóa quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng.

Đồng thời, tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm điều trị các bệnh không lây nhiễm, ung thư và dược phẩm sinh học... Phát triển các dòng sản phẩm dược phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.

Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm trong nước, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; đầu tư vào xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thành lập các trung tâm thử nghiệm lâm sàng quốc tế.

 Hiện nay, cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP. Ảnh minh họa

Hiện nay, cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP. Ảnh minh họa

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm nghiên cứu và ươm tạo công nghệ dược phẩm tại khu công nghệ cao; hình thành các khu công nghiệp dược phẩm... Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong sản xuất dược phẩm. Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.

Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng nhận quốc tế như GMP-WHO, EU-GMP, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện xuất khẩu dược phẩm ra thị trường toàn cầu. Hoàn thiện quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc tại Việt Nam; hoàn thiện quy định về quản lý hệ thống phân phối, cung ứng thuốc; chú trọng các quy định về đấu thầu, mua sắm, bảo đảm công khai, minh bạch, ưu tiên thuốc chất lượng cao giá hợp lý.

Trên tinh thần đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết phía Việt Nam mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong các công đoạn khác nhau trong ngành dược mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng; tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong "củng cố các chuỗi cung ứng", bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững.

Hiện nay, ngành dược phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng trung bình hai con số, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược lớn quốc tế. Tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025; dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026.

Hiện nay, cả nước có hơn 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP, trên 5.000 cơ sở bán buôn thuốc và trên 62.000 cơ sở bán lẻ.

Các sản phẩm y dược trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước, khoảng 50% nhu cầu dược phẩm của người dân, đồng thời từng bước khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất dược phẩm ngày càng mở rộng...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-mong-muon-cac-tap-doan-duoc-uy-tin-tren-the-gioi-dong-hanh-khai-pha-nhung-canh-cua-moi-post331597.html