Việt Nam nằm trong top 56 thế giới về phát triển hạ tầng số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, sẽ phấn đấu đưa Việt Nam vào top 30 nước dẫn đầu trên thế giới về phát triển hạ tầng số năm 2025.

Hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra chiều 16/11.

Đây là 1 trong 10 hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 diễn ra từ ngày 9/11 tới ngày 6/12 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế trung ương chủ trì.

Theo ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có những phát triển mới, tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại hạn chế.

Có thể kể đến như hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển tnternet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp…

Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Ông An cho rằng, nguyên nhân là do công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, kết nối và tầm nhìn dài hạn, thường xuyên phải điều chỉnh.

“Những yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong những năm qua là một trong những cản trở lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, ông nói và nhấn mạnh, việc đòi hỏi phải tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, chuyển đổi số là một dạng tài nguyên không có giới hạn về số lượng, chuyển đổi số tại ra dòng chảy dữ liệu liên tục, càng chuyển đổi số thì càng tạo ra nhiều dữ liệu và tài nguyên.

Theo ông Long, việc phát triển hạ tầng số sẽ cần xây dựng và phát triển 4 loại hạ tầng gồm: Hạ tầng dữ liệu; hạ tầng tính toán trí tuệ nhân tạo; hạ tầng kết nối và hạ tầng định danh số.

Đến nay, tỉ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,8%, tốc độ truy cập thuộc top 42 trên thế giới, 76% hộ gia đình có internet… Việc chuyển đổ hạ tầng số sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế số.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2021 Dự thảo chiến lược phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, việc phát triển hạ tầng số được tập trung vào những điểm trọng tâm như sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành, và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30%.

Cùng với đó, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu trên thế giới về phát triển hạ tầng số năm 2025. “Hiện nay Việt Nam đang nằm trong top 56 thế giới về phát triển hạ tầng số, để vào top 30 vào năm 2025 sẽ cần nỗ lực rất lớn của cả hệ thống, của ngành thông tin truyền thông”, ông Long nói.

Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dự thảo chiến lược còn bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số có chất lượng, giá cả phù hợp, phổ cập smartphone đến 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi một hộ gia đình có một đường cáp quang. Phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm 2 nước dẫn đầu của ASEAN về trung tâm dữ liệu và phấn đấu phát triển trên 250 triệu kết nối IOT.

“Hai chỉ tiêu là phổ cập smartphone đến 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi một hộ gia đình có một đường cáp quang là những chỉ tiêu rất thách thức của ngành thông tin truyền thông. Chúng tôi quan điểm, muốn phát triển kinh tế số thì phải có thị trường số, mà muốn có thị trường số thì mỗi một người dân, mỗi một gia đình, mỗi một doanh nghiệp phải có được kết nối số thì mới xây dựng và tạo lập được kinh tế số”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Long cho biết, trong những năm tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc sửa đổi luật viễn thông, tần số vô tuyến diện… nhằm thúc đẩy sự phát triển 5G, 6G trong tương lai, phát triển các công nghệ số mới, đáp ứng và thúc đẩy các lĩnh vực trong phát triển nền kinh tế....

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-dang-trong-top-56-the-gioi-ve-phat-trien-ha-tang-so-a534039.html