Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Báo cáo tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam năm 2023 do Savills Việt Nam công bố mới đây, trong giai đoạn 2016-2022, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm điện tử tăng 193%, điện thoại tăng 68%, máy móc tăng 336%.

Điều này cho thấy vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị tiếp tục được nâng cao.

Việt Nam đang ngày nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang ngày nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Savills, Việt Nam đang tập trung thu hút những khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao bằng cách cải thiện lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình phát triển chuỗi giá trị của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến nâng cao trình độ của lực lượng lao động”- ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam nói.

Không ít nhà đầu tư lớn đưa Việt Nam vào kế hoạch phát triển trong tương lai. Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu J.P Morgan ước tính, đến năm 2025, Apple sẽ chuyển 65% tỷ lệ sản xuất AirPod, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% MacBook sang Việt Nam.

Intel cũng đang lên kế hoạch đến năm 2025 mở rộng giai đoạn thứ hai của nhà máy kiểm định vi mạch tại thành phố Hồ Chí Minh, với khoản đầu tư lớn lên tới 4 tỷ USD.

Các công ty Mỹ khác như: Boeing, Google, Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng được ghi nhận gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tính đến tháng 6-2023, đã có tổng cộng 2.508 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 28,91 tỷ USD. So với năm 2016, con số này là 1.623 dự án với tổng vốn đầu tư là 18 tỷ USD.

Trong đó, Hà Lan dẫn đầu với 427 dự án, tổng vốn đầu tư 14,1 tỷ USD, bằng 49% vốn đầu tư của Liên minh châu Âu vào Việt Nam. Pháp giữ vị trí thứ 2 với 3,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư.

Ông John Campbell cho biết, trong năm 2023 có đến 3 thương vụ của các doanh nghiệp Đức là Fuchs, Farmas và J. Wagner.

Riêng với Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc Việt Nam - Mỹ nâng cấp mối quan hệ hợp tác toàn diện, được kỳ vọng làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thời gian qua, Savills Việt Nam đã gặp rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đến thăm các dự án tại Việt Nam. Trong đó, các ngành sản xuất, chế tạo, và công nghệ điện tử chiếm đa số. Đặc biệt, tháng 9 cũng là thời điểm Apple công bố đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Google cũng cho biết Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường tiềm năng được công ty này cân nhắc đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian tới.

Để thu hút các “đại bàng” Mỹ, châu Âu, ông John Campbell khuyến nghị, nhà phát triển khu công nghiệp nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và các ưu đãi ngoài giá thuê như: Dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/viet-nam-ngay-cang-nang-cao-vi-the-tren-chuoi-gia-tri-toan-cau-645559.html