Việt Nam nhập khẩu hàng hóa gì từ Trung Quốc?

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc khá đa dạng, từ nông sản đến hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu sản xuất.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, cả nước chi tới 11,57 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Con số này tăng 34,53% so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất (Ảnh: TTXVN)

Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất (Ảnh: TTXVN)

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước chi 66,73 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc (bình quân hơn 11 tỷ USD/tháng). So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này tăng 34,1% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 17 tỷ USD).

Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 37,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Có tới 13 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 2 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 28,4%.

Hàng hóa nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay. 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD). Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng nhẹ 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,4 tỷ USD).

Trong các nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có 6 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; xơ, sợi dệt; gỗ và sản phẩm gỗ.

Với sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. Trong kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm được duy trì như nửa đầu năm, thì sẽ đạt 190 tỷ USD; nếu phục hồi tốt hơn, thì sẽ đạt, thậm chí vượt mốc 200 tỷ USD.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, các ngành hàng, doanh nghiệp đã khá nhanh nhạy, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường này để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 ghi nhận, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi (mẫu E và RCEP) theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 dẫn đầu, đạt 19,4 tỷ USD.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2024, Hội chợ Thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc năm 2024 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác thương mại dịch vụ với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng trưởng xuất nhập khẩu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có công hàm gửi Bộ Công Thương đề xuất phổ biến thông tin sự kiện đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là hội chợ tổng hợp, tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ, bao gồm: Năng lượng, bưu chính, viễn thông; dịch vụ tài chính; dịch vụ văn hóa du lịch; dịch vụ giáo dục; dịch vụ thương mại và chuỗi cung ứng…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-nhap-khau-hang-hoa-gi-tu-trung-quoc-333086.html