Việt Nam-Nhật Bản ký công hàm về dự án tàu biển và thiết bị quan trắc
Hai dự án tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển và thiết bị quan trắc thải nhựa đại dương được Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại nhằm góp phần nâng cao năng lực quan trắc của Việt Nam...
Chiều 23/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada đã ký Công hàm trao đổi hai phi dự án “Tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển” và “Hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương,” do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại.
Hai phi dự án trên được ký kết với hi vọng sẽ góp phần phát huy được năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các điều tra, khảo sát cơ bản liên quan tới môi trường biển, tài nguyên biển của Việt Nam và giải quyết vấn đề rác thải đại dương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản ngày càng tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cũng là một trong những nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực cũng như trên thế giới, song Việt Nam và Nhật Bản vẫn duy trì trao đổi các hoạt động cấp cao và các cấp khác nhau bằng nhiều hình thức trong nhiều lĩnh vực.
Nói về các phi dự án trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là các văn kiện hợp tác quan trọng, là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan chuyên môn của Chính phủ hai nước. Điều này cũng thể hiện mong muốn hợp tác của hai bên, sự hỗ trợ thiết thực và có hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản trong triển khai quản lý tài nguyên và môi trường biển tại Việt Nam.
Tàu nghiên cứu biển và các trang thiết bị kỹ thuật quan trắc rác thải nhựa đại dương mới và hiện đại do phía Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại thông qua 2 phi dự án trên sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và nghiên cứu, phân tích rác thải nhựa đại dương của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ sử dụng hiệu quả và vận hành tốt tàu nghiên cứu khoa học biển cũng như các trang thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, góp phần giải quyết những thách thức về tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam trong thời gian tới.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện các quy trình, thủ tục để có thể sớm tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển cũng như các trang thiết bị thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương theo như kế hoạch đã được hai bên thống nhất,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị Nhật-Việt trên cơ sở Đối tác chiến lược sâu rộng đang phát triển tốt đẹp. Điều này đã được minh chứng bằng việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau khi nhậm chức; Thủ tướng Suga cũng đã có buổi điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3/2021 khi Việt Nam đang tiến hành bầu Chính phủ mới.
Sự kiện ký kết công hàm trao đổi của hai phi dự án viện trợ không hoàn lại thể hiện cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Việt rất tốt đẹp của hai quốc gia đã và đang xây dựng, gìn giữ trong nhiều năm qua.
Theo Đại sứ Takio Yamada, phi dự án phi dự án “Tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển” được bắt đầu triển khai thông qua đề nghị viện trợ tài nghiên cứu khoa học biển từ nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; phi dự án này cũng đã được đề cập trong buổi hội đàm cấp cao của hai nước vào tháng 10/20218, là một trong các dự án viện trợ được mong chờ từ trước tới nay.
“Tôi mong rằng phi dự án viện trợ tàu nghiên cứu biển này sẽ phát huy được năng lực của mình trong các điều tra, khảo sát cơ bản liên quan tới môi trường biển, tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045,” Đại sứ Takio Yamada nhấn mạnh.
Đại sứ Takio Yamada đặc biệt lưu ý rằng Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia các xa nhau nhưng đang gắn kết với nhau bằng biển. Việc sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên biển dồi dào, bảo vệ không chỉ là nhiệm vụ của hai quốc gia mà còn là vấn đề chung của thế giới. Do đó, Đại sứ Takio Yamada hy vọng hai phi dự án viện trợ lần này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc tiến hành các nỗ lực nghiên cứu về tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và giải quyết vấn đề rác thải đại dương…/.