Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy triển khai các dự án ODA thế hệ mới
Sáng 19/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã có cuộc tiếp và làm việc với ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong các dự án viện trợ không hoàn lại, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, việc thu thuế TNDN đối với nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế chung và pháp luật thuế TNDN hiện hành.
Thứ trưởng thông tin thêm, hiện Việt Nam là thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (BEPS), bao gồm: hành động BEPS 5 (rà soát các cơ chế ưu đãi thuế không phù hợp thông lệ quốc tế, hành động BEPS 6 (ngăn chặn hưởng lợi Hiệp định trong những hoàn cảnh không phù hợp), hành động BEPS 13 (hồ sơ giá chuyển nhượng và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, hành động BEPS 14 (xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn).
Với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ của nhà thầu Nhật Bản không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì cũng đã có quy định miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Việc đề xuất miễn thuế TNDN cho nhà thầu Nhật Bản cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dự án ODA không hoàn lại sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài và doanh nghiệp, nhà thầu trong nước; giữa nhà thầu Nhật Bản với các nhà thầu nước ngoài khác; cũng như giữa Chính phủ Nhật Bản với các đối tác tài trợ khác.
“Các khoản viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản không phải chịu thuế TNDN của Việt Nam, mà thuế TNDN chỉ phát sinh với các nhà thầu tham gia triển khai các dự án từ nguồn viện trợ”, Thứ trưởng khẳng định.
Đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản tích cực dành khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, Thứ trưởng mong muốn phía Nhật Bản thấu hiểu rằng, các quy định pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ thay đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, không chỉ tuân thủ pháp luật trong nước mà còn phải tuân thủ pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã làm rõ một số nội dung mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là tiến độ các dự án quan trọng cần đẩy nhanh thủ tục để sớm triển khai gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; Dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2; Dự án xây dựng trường Đại học Việt Nhật; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2.
Thứ trưởng đề nghị Nhật Bản và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các nội dung cần thiết, chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức tư vấn phối hợp với Việt Nam để sớm hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các dự án.
Thứ trưởng cho biết, nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn, do đó, việc huy động vốn ngoài nước là rất quan trọng, hơn hết là vấn đề về kỹ thuật, công nghệ chuyển giao khi sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Cùng với đó, các dự án vốn vay ODA Nhật Bản thời gian qua cơ bản đều triển khai tốt, chất lượng các công trình cao, phát huy được hiệu quả sử dụng. Đó chính là lý do Nhật Bản vẫn là đối tác ODA lớn nhất mà Việt Nam hướng đến trong thơi gian tới.
Ngoài ra, đề cập đến nỗ lực thúc đẩy triển khai chương trình ODA thế hệ mới giữa hai nước, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, trong mối quan hệ hữu nghị, thân mật và tin cậy, nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước lên một tầm cao mới, Bộ Tài chính Việt Nam muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai chương trình ODA thế hệ mới đang được Lãnh đạo Chính phủ hai nước rất quan tâm, thúc đẩy với hàm ý của ODA thế hệ mới là quy mô các dự án lớn hơn, thủ tục đơn giản hơn, điều kiện ưu đãi hơn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Đại sứ Watanabe Shige cảm ơn Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã dành thời gian tiếp, trao đổi thẳng thắn về những nội dung liên quan tới các dự án sử dụng vốn ODA thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Tài chính Việt Nam.
Ông Watanabe Shige hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Thứ trưởng, đồng thời khẳng định Đại sứ quán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Tài chinh sẽ trao đổi về một hiệp định khung/công hàm trao đổi chung (là điều ước quốc tế) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng điều kiện về đấu thầu theo yêu cầu của nhà tài trợ Nhật Bản và sẽ áp dụng cho tất cả các khoản vay Nhật Bản sau này.
Nhằm hướng tới mục tiêu đưa nguồn vốn ODA “sôi động trở lại”, đồng thời thu hút hơn nữa sự quan tâm của các nhà thầu đối với các dự án ODA, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong triển khai các dự án ODA hiện đang có trên cơ sở rà soát các vấn đề khó khăn do JICA tổng hợp.