Việt Nam nỗ lực đưa ấn Hoàng đế chi bảo về nước

Bộ Ngoại giao cho biết sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để đưa di vật này về nước

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin ấn Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn được hãng Millon (Pháp) đem ra đấu giá.

Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo". Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp

Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo". Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng các Bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để tạm dừng cuộc đấu giá.

Ngày 31-10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết phiên đấu giá được dời lại tới ngày 10-11-2022.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước.

Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15-3-1823).

Sau những biến động lịch sử, ấn vàng được đưa sang Pháp và vừa qua, nhà đấu giá Millon của Pháp đã chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với mức 2-3 triệu euro (48-72 tỉ đồng). Phiên đấu giá này dự kiến được tổ chức vào ngày 31-10.

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL khẳng định ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam.

Ấn vàng của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Ấn vàng của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon

Cục Di sản văn hóa ngày 1-11 cho biết sau tất cả những nỗ lực đàm phán với hãng Millon, vào 7 giờ 30 phút ngày 31-10-2022 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Tiếp đó, đến 10 giờ 10 phút ngày 31-10-2022, hãng Millon đã có thông cáo chính thức việc đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31-10-2022 của hãng. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với hãng Millon là được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày. Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Cục khẳng định sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước trong thời gian sớm nhất.

"Tuy nhiên, hồi hương không có nghĩa là đưa ấn vàng về cho nhà nước mà chỉ cần trở về Việt Nam. Chúng tôi mong các nhà tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực sẽ chung tay đưa ấn về nước" - đại diện Cục Di sản văn hóa nói.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/viet-nam-no-luc-dua-an-hoang-de-chi-bao-ve-nuoc-20221103165555243.htm