Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ tầng ozone
'Hành trình bảo vệ tầng ozone vì sự sống' là thông điệp của Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (ôzôn) năm 2020. Kể từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn từ năm 1994 đến nay, Việt Nam luôn chủ động và tích cực hành động để bảo vệ 'tấm lá chắn' của hành tinh.
Trong những năm 1970, các “lỗ thủng ôzôn” được phát hiện ở Nam Cực và có nguy cơ lan rộng. Từ đó, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn ra đời năm 1985, là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên mang tính chất toàn cầu về bảo vệ tầng ôzôn.
Hai năm sau, năm 1987, Nghị định thư Montreal ra đời, với mục đích nhằm loại trừ, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ôzôn như CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide) được sử dụng trong sản xuất điều hòa, bình xịt, thiết bị làm lạnh, xốp cách nhiệt và nhiều vật dụng khác.
Các chất này làm cho tầng ôzôn bị suy giảm nghiêm trọng, tạo nên những “lỗ thủng ôzôn”, khiến cho các tia cực tím nguy hiểm dễ dàng xâm nhập Trái Đất. Từ năm 1994, Đại hội đồng Liên Hợp quốc chọn ngày 16/9 hàng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ôzôn.
Trải qua 26 năm tham gia vào Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã có nhiều bước đột phá trong việc chủ động xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, tạo hành lang pháp lý cho toàn xã hội tham gia vào công cuộc bảo vệ “lá chắn” của hành tinh.
Một trong những bước tiến mạnh mẽ là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-zôn. Cụ thể, đó là các quy định về bảo vệ tầng ô-zôn dự kiến sẽ đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020. Tiếp theo đó là việc ban hành các Nghị định cụ thể hóa các quy định của Luật về lộ trình, phương thức giảm phát thải khí nhà kính và quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, cũng như các chế tài nghiêm minh để răn đe các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Bộ TN&MT còn đề xuất không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng HCFC; hạn chế cấp phép mở rộng sản xuất, nâng cao công suất của các doanh nghiệp hiện đang sử dụng HCFC.
Đồng thời, cần giảm sử dụng HCFC cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh; hạn chế lắp mới các thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC trong ngành thủy sản; bởi các doanh nghiệp sử dụng thiết bị làm lạnh sử dụng HCFC không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Hoa Kỳ.
Trước đó, Bộ Công Thương và Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTN&MT quy định về hạn ngạch nhập khẩu cũng như thủ tục nhập khẩu của các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal.
Gần đây nhất là Thông tư 05/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư trên, trong đó có điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC theo lộ trình quản lý, loại trừ của Việt Nam và bổ sung quy định về cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu đối với các chất HFC. Hai văn bản pháp luật nêu trên là tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng thông tin dữ liệu về hoạt động xuất, nhập khẩu, tính toán mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC gây suy giảm tầng ô-zôn tại Việt Nam.
Đúng lộ trình, năm 2010, chúng ta đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn Halon, đồng thời chính thức cấm nhập khẩu các chất CFC, Halon và CTC từ ngay thời điểm này. Theo các chuyên gia môi trường, quá trình loại trừ các chất HCFC có thể kéo dài đến năm 2030, tuy nhiên, nếu nhận được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể hoàn thành sớm hơn, vào năm 2025.
Việt Nam đang từng bước xây dựng lộ trình quản lý, loại trừ các chất HFC, hướng đến không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 tại Việt Nam và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Đơn cử, cuối năm 2019, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết Biên bản hợp tác về việc phối hợp tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí.
Đầu năm 2020, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ký kết Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn ở Việt Nam.
Doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang chủ động thích nghi, chuyển đổi công nghệ với cam kết loại bỏ các chất HCFC phù hợp với chính sách, chủ trương của đất nước. Với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp mong muốn có sự đồng hành của các cơ quan chức năng để hướng dẫn, hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn chuyển đổi.
Cụ thể, một khảo sát năm 2017 cho biết, có đến 54% số doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng chuyển đổi công nghệ theo quy định, 33% đồng ý chuyển đổi nếu được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật; 82% số doanh nghiệp đồng ý thực hiện theo lộ trình cắt giảm.
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ Dự án trên cho biết, việc cải tạo, chuyển đổi là không khó, bởi có sự đồng hành, hỗ trợ về cả mặt tài chính và kỹ thuật. Theo đó, các doanh nghiệp nhận thức được rằng việc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại, cải tiến phương pháp sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy uy tín, hình ảnh của họ trên thị trường.
Đồng thời, việc chuyển đổi này có thể giúp doanh nghiệp mở rộng ra quốc tế, tiếp cận thị trường thuộc nhóm các nước phát triển. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng đa quốc gia đều có những quy định chặt chẽ về thẩm định tác động môi trường của bất kỳ dự án, công ty nào trước khi bỏ tiền vào.