Việt Nam nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế
Để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng CIEM, cho biết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là các FTAs thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại.
Tuy nhiên, các FTAs thế hệ mới chứa đựng nhiều quy định điều chỉnh chính sách thương mại trong nước của các quốc gia thành viên và đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện.
Đơn cử, CPTPP và EVFTA đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế cụ thể đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực này.
Để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.
Đến nay, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã phê chuẩn 9/10 công ước cơ bản của ILO. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền tổ chức.
Để khai thác hiệu quả FTAs và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế; nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả; trong đó có cam kết về lao động.
Đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin; có kế hoạch và sự chuẩn bị bài bản (bao gồm cả việc thực hiện các yêu cầu về lao động) để tận dụng cơ hội thị trường; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, của các nước trong CPTPP, Hoa Kỳ,... đồng thời, kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, chuyên môn hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…