Việt Nam phấn đấu đến 2030-2045 phát triển được công nghiệp đường sắt

Thủ tướng cho biết mục tiêu đến năm 2030-2045, Việt Nam phải phát triển được công nghiệp đường sắt: Làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…

Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam

Thông báo nêu rõ, với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM… Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt.

Mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…). Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn bản thân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.

Đối với đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Về nguyên tắc, Thủ tướng đồng ý đối với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập Hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở hồ sơ sơ bộ phạm vi giải phóng mặt bằng trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các địa phương có dự án đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các Dự án; các địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các ga đường sắt.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng hằng tháng về Ban Chỉ đạo qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khởi công tháng 12

Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án cụ thể. Về tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính được giao trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12/2025.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo và gửi Công thư của Phó Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách lĩnh vực để hỗ trợ về vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này.

Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu cho dự án trong tháng 4/2025; tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Về các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và TP HCM khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội: Xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5/2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu hai thành phố này rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Đồng thời, phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai.

Bộ Tài chính được giao hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội.

Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao nêu trên; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng bố trí lịch họp Ban Chỉ đạo định kỳ hằng tháng.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-phan-dau-den-2030-2045-phat-trien-duoc-cong-nghiep-duong-sat-post544601.html