Việt Nam quyết liệt hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách lớn để hoàn hiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Tuy nhiên, các cam kết chỉ được thực hiện khi có sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN).

BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Ảnh minh họa

BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Ảnh minh họa

Năm 2024, Bộ TNMT đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW. Kết luận số 81-KL/TW đề ra nhiệm vụ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải KNK của từng ngành, lĩnh vực; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Hiện Bộ TNMT đang tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận.

Tích cực triển khai các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị COP26, COP27 và COP28.

Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) - ông Tăng Thế Cường - cho biết, triển khai quy định ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TNMT đã xây dựng, trình ban hành 3 nghị định, 5 thông tư, 6 quyết định, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 tiêu chuẩn quốc gia. Gần đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 về Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính; trong đó đã tích hợp nội dung làm mát bền vững. Với Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Bộ TNMT đang phối hợp với các bộ liên quan và các địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK quốc gia, Bộ TNMT đã trình Thủ tướng ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật năm 2024.

Ông Cường nhấn mạnh, từ sau Hội nghị COP26 đến nay đã có nhiều chương trình, dự án theo hướng chuyển đổi xanh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành đã và đang được hoàn thiện theo hướng này. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch Điện VIII và Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen đã được Thủ tướng ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

“Việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được các Bộ và DN làm việc với các đối tác quốc tế và đề ra các dự án cần triển khai ngay. Có 18 dự án được các bên rà soát đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai được ngay, trong đó 7 dự án cần ưu tiên trước mắt để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng” - ông Cường chia sẻ.

Cục trưởng Cục BĐKH cho biết thêm, để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, thương mại của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM), Bộ TNMT đã nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể đối với kinh tế - xã hội; Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng Đề án tổng thể về CBAM đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh sự chuẩn bị về thể chế, chính sách, Việt Nam cũng rất chú trọng nguồn tài chính cho ứng phó BĐKH. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 10 năm qua, nguồn lực đầu tư công đáp ứng khoảng 24 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với BĐKH; hơn 30 tỷ USD đã được huy động từ DN và các chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Riêng Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) do Bộ TNMT chủ trì đã huy động được 1,5 tỷ USD cho ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn đầu tư từ các quỹ có liên quan hỗ trợ ứng phó với BĐKH trong nước, quốc tế và vốn đầu tư từ DN trong nước, DN FDI cho ứng phó BĐKH cũng ngày càng gia tăng…

Cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, DN

Thực tiễn cho thấy, để chính sách đi vào cuộc sống, ngoài sự vào cuộc của các Bộ, ngành, thì sự tham gia tích cực, hiệu quả của các địa phương, DN là rất quan trọng.

Theo ông Tăng Thế Cường, trước mắt, các địa phương cần thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, gây hiệu ứng nhà kính, tích hợp làm mát bền vững, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan trong các chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật, trong đó có việc đôn đốc các cơ sở phát thải KNK trên địa bàn thực hiện; tiếp tục truyền thông về giảm phát thải KNK gắn với việc thực hiện NDC, về quản lý tín chỉ carbon và thị trường carbon; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan để triển khai thực hiện NDC, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng theo Tuyên bố JETP.

“Thách thức lớn hiện nay đó là các địa phương hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về BĐKH. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát kiến nghị với Bộ TNMT giải pháp tăng cường bộ máy, nhân sự phục vụ ứng phó với BĐKH để đưa vào nội dung Dự thảo Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV” - ông Cường đề xuất.

Đối với DN, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng ozon, Cục BĐKH - ông Lương Quang Huy - nhấn mạnh, nhiều DN vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc các lợi ích lâu dài, bền vững. Trong khi đó, nguồn lực của DN để chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức, kiến thức về kiểm kê KNK, giảm phát thải cũng còn hạn chế.

Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Linh - Viện Chiến lược, chính sách TNMT - cho rằng, Nhà nước cần có những “trợ lực” cho DN. Đơn cử, Nhà nước cần hỗ trợ DN trong giai đoạn đầu thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải KNK; có cơ chế khuyến khích, đặc biệt khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp, những mô hình kinh doanh ít phát thải; có ưu đãi về thuế đối với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp, ít phát thải… Đồng thời, DN cần chủ động chuyển đổi sản xuất và kinh doanh theo hướng ít phát thải, đầu tư công nghệ hiện đại để chuyển đổi xanh, đáp ứng dần các tiêu chuẩn quốc tế về carbon thấp để phát triển bền vững./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/viet-nam-quyet-liet-hanh-dong-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-33744.html