Tự chủ công nghệ: Mở hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho biết, Viện Nghiên cứu Cơ khí được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 6/7/1962 với chức năng, nhiệm vụ chính là “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa”, đào tạo Tiến sỹ kỹ thuật cho cán bộ trong và ngoài Viện. Trải qua hơn 60 năm xây dựng, phát triển, thưởng thành, Viện đã đạt được nhiều thành tựu.
Đặc biệt, trong hoạt động khoa học và công nghệ, Viện đã thực hiện thành công các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được áp dụng vào sản xuất, giảm dần nhập khẩu thiết bị, công nghệ từ nước ngoài, giảm giá thành các dự án cho các chủ đầu tư trong nước, tiết kiệm ngoại tệ cho nhà nước… Nhờ đó, Viện được nhận nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Vifotech, được cấp bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ… Hàng năm Viện có các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín.
Đáng chú ý, Viện đã thực hiện thành công nhiều dự án lớn, trọng điểm của đất nước, sản phẩm của Viện được chủ đầu tư đánh giá chất lượng tương đương hàng nhập ngoại như thực hiện thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành điện, than, dầu khí, xi măng, giấy, khoáng sản... Đặc biệt, thực hiện thành công các gói thầu EPC và là đối tác chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất nước ngoài.
Nêu dẫn chứng cụ thể, TS. Phan Đăng Phong cho hay, từ thành công của dự án đầu tiên, NARIME đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).
Đáng chú ý, sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm và đặc biệt, góp phần phát điện sớm 3 năm với Nhà máy thủy điện Sơn La và 1 năm với Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2.
Đặc biệt dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%, tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Không dừng lại ở những thành quả trên, nắm bắt xu thế hiện nay, NARIME đã nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Mới đây nhất, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics.
Hệ thống phân loại sản phẩm tự động này có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7.500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày). Trên thực tế, tại thời điểm chạy thử nghiệm và vận hành chính thức chưa phải là dịp cao điểm. Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày.
Mặt khác, NARIME đã có một đội ngũ trên 50 kỹ sư chuyên thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp ô tô trong nước và các đồ gá hàn xe ô tô, xây dựng được mạng lưới hàng trăm các nhà cung cấp, đối tác trong nước và quốc tế, triển khai các dự án có tổng giá trị trên 800 tỷ đồng/năm. Viện đã trang bị nhiều phần mềm thiết kế chuyên dụng có bản quyền, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của đội ngũ thiết kế trong lĩnh vực này.
Hiện nay, NARIME đang là nhà cung cấp các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn chính, thay thế các nhà thầu nước ngoài cho các nhà máy sản xuất ô tô lớn ở trong nước. Một trong những khách hàng của NARIME hiện nay là hãng sản xuất xe ô tô VinFast của Việt Nam. Cụ thể, NARIME đã và đang thiết kế, chế tạo, tích hợp, lắp đặt, hướng dẫn vận hành các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn các dòng xe ô tô điện của VinFast. Dự án đầu tiên NARIME thực hiện cho hãng xe VinFast là cung cấp dây chuyền đồ gá hàn xe buýt điện 10.5 m từ năm 2019, tiếp theo là các dự án cung cấp các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn, đồ gá kiểm tra cho các dòng xe điện của VinFast như các dòng xe VFe34; VF8; VF9; VF5; VF6; VF7; VF3. Đó là những công việc mà trước đây chỉ do các nhà thầu lớn ở nước ngoài (như Thái Lan; Đức...) thực hiện, chưa có đơn vị nào trong nước đảm nhận được.
Đặc biệt hơn, đồng hành cùng chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, NARIME đã thực hiện “Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo” với công suất 47,5MW cho dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Công trình được đưa vào lắp đặt ổn định tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) với hệ pin mặt trời nổi trên hồ được đấu nối đồng bộ với hệ thống phao và thiết bị điện, điều khiển với công suất 47,5MW. Hệ thống phao được neo giữ trên lòng hồ nhờ hệ thống cáp neo chuyên dụng, đảm bảo thích nghi với mọi điều kiện thời tiết trên lòng hồ…
Tiếp nối thành công của dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi, NARIME đã thiết kế, cung cấp lắp đặt hệ thống neo và phụ kiện cho các nhà máy điện mặt trời trên hồ Tầm Bó và hồ Gia Hoét. Ngoài ra, Viện cũng đang triển khai đúng tiến độ đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cho các khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo Tiến sĩ Phan Đăng Phong, trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu Cơ khí luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hỗ trợ, tăng cường năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp các dây chuyền thiết bị.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí: Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương trong quá trình tái cơ cấu các viện nghiên cứu thuộc Bộ, sự đồng hành của các trường đại học, doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự cố gắng của các nhà khoa học, chúng tôi tin tưởng rằng các viện nghiên cứu trong những năm tới sẽ trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành trong các lĩnh vực mình phụ trách, góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Bài và ảnh: Quỳnh Nga Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Hồng Thịnh