Việt Nam sẵn sàng đón sóng FDI năm 2025
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Vốn FDI thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, thu hút FDI tiếp tục là một trong những động lực kinh tế quan trọng.
Công ty B.Braun Vietnam chuyên sản xuất thiết bị y tế, đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992, có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội. Quy mô vốn của doanh nghiệp đã lên tới 160 triệu USD. Đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam khá thuận lợi với những chính sách ưu đãi của chính phủ, doanh nghiệp này cho biết có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 300 triệu USD trong vòng 5 - 10 năm tới.
Ông Torben Minko - Tổng Giám đốc Công ty B.Braun Vietnam - Phó Chủ tịch Hiệp hội châu Âu Việt Nam, cho hay: "Chúng tôi rất tự tin vào thị trường Việt Nam khi chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư châu Âu tăng từ trung lập sang tích cực. Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng GDP Việt Nam tăng trưởng, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa được cải thiện. Chúng tôi cũng cần nguồn lao động tốt và có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu khi chúng tôi có kế hoạch tăng vốn thời gian tới".
Tháng 1/2025, Việt Nam ghi nhận hơn 4,33 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ phản ánh sự bứt phá mạnh mẽ mà còn khẳng định sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Những chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với các nước vừa qua là thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội mở ra trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, cho biết: "Việt Nam có cơ hội đón làn sóng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô và các yếu tố địa chính trị khác của Việt Nam đang rất thuận lợi, việc dịch chuyển sang Việt Nam sẽ không làm gián đoạn chuỗi sản suất của các tập đoàn".
Bên cạnh chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ, cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, có một thực tế, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, chỉ khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp trong nước gần như không có cơ hội hưởng lợi từ những dự án FDI quy mô lớn mà chỉ đang tham gia vào những công đoạn giá trị thấp trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Thời gian tới, cần có chiến lược chọn lọc phù hợp để việc thu hút FDI không chỉ đơn thuần là nhận vốn đầu tư, mà quan trọng hơn là phải tận dụng được nguồn lực đó để nâng cao nội lực của doanh nghiệp trong nước.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-san-sang-don-song-fdi-nam-2025-304100.htm