Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia
Các chuyên gia đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn, cũng là 'chìa khóa' nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam.
Năng suất lao động được cải thiện
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện hơn (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).
Để tiếp tục nâng cao năng suất lao động quốc gia, tạo thế và lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, một trong những vấn đề cần được quan tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

PGS. TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS. TS. Phan Chí Anh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, giáo dục được coi là chủ thể quan trọng trong phong trào năng suất quốc gia. Theo quan điểm của PGS. Chí Anh, hoạt động của các trường đại học hỗ trợ cho vấn đề nâng cao năng suất tại Việt Nam dưới 2 góc độ:
Một là, các trường đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi năm có khoảng 70, 80 vạn sinh viên tốt nghiệp, ra trường và làm việc ở các khu vực của nền kinh tế. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn, cũng là “chìa khóa” nâng cao năng suất chất lượng. Hai là, các trường đại học có thể hỗ trợ phong trào năng suất quốc gia thông qua xây dựng chính sách, cùng tham gia thực hiện các chương trình khoa học công nghệ đưa ứng dụng về quản trị vào hoạt động của doanh nghiệp.
“Nước ta hiện có 240 trường đại học, trong đó, các trường trọng điểm liên quan đến năng suất chất lượng là không nhiều. Chính vì vậy, với thế mạnh của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là kết nối các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới (ISO),… làm sao thông qua đó có chương trình đào tạo bồi dưỡng để các khu vực giáo dục có chuyên gia về lĩnh vực này. Đồng thời, cần có sự gắn kết gần gũi và chặt chẽ hơn giữa phía Ủy ban TCĐLCL Quốc gia và doanh nghiệp, để cùng nhau phát triển và nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay”- ông Chí Anh kiến nghị.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Chia sẻ về giải pháp nâng cao năng suất lao động quốc gia, TS. Trần Hậu Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) cho hay, cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1322), trong đó, đào tạo cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất chất lượng.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, ông Ngọc cho biết, thời gian tới, Ủy ban sẽ hướng việc đào tạo nhiều hơn đến các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; đưa ra các dự án triển khai, làm sao gắn với các trường để tăng cường đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp.
“Ngoài ra, một số chủ trương trong Nghị quyết 57/NQ-BCT, Nghị quyết 03/NQ-CP triển khai Nghị quyết 57/NQ-BCT làm sao thực sự đưa những chủ trương này vào cuộc sống thì rất cần công tác truyền thông và cải cách thể chế trong toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Mỗi cá nhân phải tự ý thức và có trách nhiệm để thúc đẩy năng suất đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”- ông Ngọc nói thêm.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, muốn thắng lợi chúng ta phải có cách làm năng suất riêng “lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” giống như trong quân sự. Muốn có cách làm riêng, phải xuất phát từ con người.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Thành- Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực là câu chuyện xuyên suốt trong hành trình của doanh nghiệp. Ông Thành dẫn chứng: “Các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ vươn mình ra quốc tế hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi phải đi khắp nơi như sang châu Âu làm việc với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc, nhưng không phải bê hết công nghệ của họ về. Chúng ta phải sử dụng nội lực của mình. Dù có áp dụng AI hay công nghệ tiên tiến nào đi nữa thì nhân lực vẫn là chủ đạo của doanh nghiệp”.