Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Lào trong lĩnh vực tài chính
Bộ Tài chính Việt Nam sẽ hỗ trợ định hướng phát triển ngành tài chính Lào trung và dài hạn, cụ thể là cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý theo chương trình, kế hoạch cải cách của phía Lào.
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ trưởng Tài chính Lào Santiphab Phomvihane.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh hai cơ quan đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu dài, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Thêm vào đó, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin và kịp thời tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng tin tưởng mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Bộ Tài chính sẽ ngày càng phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.
Tbeo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hai cơ quan đang phối hợp triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 để giúp Bộ Tài chính Lào nâng cao năng lực quản lý tài chính. Việc này cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính hai nước tăng cường hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc hoan nghênh nỗ lực của các đơn vị của hai cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác năm 2023 với kết quả hoàn thành 26/35 hoạt động, đạt 74% kế hoạch đã đề ra.
“Những nội dung còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024 và kế hoạch hợp tác mới của năm 2024 sẽ được ký kết với 32 hoạt động cụ thể với các hình thức hợp tác đa dạng,” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và quản lý ngân sách Nhà nước, nợ công và chuyển đổi số trong ngành tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nền tài chính công vững mạnh phải tập trung vào phát triển sản xuất-kinh doanh vững mạnh, trong đó việc hoàn thiện thể chế đóng vai trò rất quan trọng. Ông cho biết Việt Nam đang tập trung vào 3 đột phát, đó là hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng; trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất-kinh doanh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ ngành tài chính đã tiến hành cải cách mạnh mẽ quản lý thuế, như yêu cầu 100% doanh nghiệp phải phát hành hóa đơn điện tử; 100% cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc phải xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán; yêu cầu nhà hàng, khách sạn, siêu thị phải kết nối dữ liệu từ máy tính tiền với cơ quan thuế và triển khai chương trình hóa đơn may mắn; tăng cường thu thuế sàn thương mại điện tử và giao dịch không biên giới.
"Nhờ cải cách về quản lý thuế trong 4 năm qua, thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán. Cũng nhờ sự cải cách mạnh mẽ nên mặc dù mỗi năm Chính phủ giảm thuế và miễn giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn có thể đầu tư hàng triệu tỷ đồng vào xây đường hệ thống cao tốc, sân bay," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về kinh nghiệm quản lý nợ công của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ từ đầu nhiệm kỳ nợ công vào khoảng 44%GDP, đến hết năm 2023 chỉ còn khoảng 37%, thấp hơn nhiều so với mức trần 60%GDP Quốc hội đề ra. Theo Bộ trưởng, những thành tích ngành Tài chính đạt được những năm qua đã khẳng định vai trò rường cột của kinh tế Việt Nam.
Về phía Lào, Bộ trưởng Bộ Tài chính Santiphab Phomvihane bày tỏ cảm ơn Bộ Tài chính Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm với Bộ Tài chính Lào. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Lào sẽ nghiên cứu, triển khai nhiều cải cách về mặt thể chế trong công tác quản lý thu thuế, hải quan cũng như thúc đẩy hiện đại hóa công tác thu ngân sách nhà nước, có những sửa đổi luật thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử… Do vậy, những kinh nghiệm chia sẻ, chương trình hợp tác, trao đổi, đào tạo nhân lực giữa hai Bộ trong thời gian tới sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.
Tại buổi làm việc, dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính Việt Nam) và Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính Lào) đã cùng ký Biên bản cuộc họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo chương trình hợp tác giữa hai bộ. Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ hỗ trợ định hướng phát triển ngành tài chính Lào trung và dài hạn. Cụ thể là tiếp tục hỗ trợ cải cách thể chế và hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính theo chương trình, kế hoạch cải cách của phía Lào; hỗ trợ triển khai nghiên cứu, phổ biến thẩm định dự thảo các Luật và các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính của Bộ Tài chính Lào.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Việt Nam cũng sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Bộ Tài chính Lào thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, như Hải quan, Thuế, Kho bạc, Ngân sách nhà nước, Quản lý nợ, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ triển khai các đoàn chuyên gia sang tư vấn, hỗ trợ Bộ Tài chính Lào trong lĩnh vực tài chính-ngân sách, nâng cao năng lực cán bộ thông qua các khóa đào tạo, hội thảo và học bổng, tổ chức các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm điều hành cấp cao…./.