Việt Nam sắp tích hợp quản lý rủi ro liên ngành để tạo thuận lợi thương mại
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, những bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở sức cạnh tranh thương mại của Việt Nam.
Việt Nam sẽ có một trung tâm quản lý rủi ro liên ngành
Kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các Bộ chức năng thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, các loại kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam liên quan đến nhiều Bộ, gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan hàng hóa, ảnh hưởng nhiều nhất tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung và quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” ngày 9/6, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, đến nay có 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, với số lượng doanh nghiệp tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, ông Cường cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, gồm: thực hiện kiểm tra hải quan theo yêu cầu quản lý chuyên ngành; nội dung, phương thức kiểm tra, hiệu quả kiểm tra; thông tin, dữ liệu phân tán, chưa thống nhất, đồng bộ, chưa kịp thời cung cấp, chia sẻ đến các bên có liên quan; chưa có cơ quan đầu mối chủ trì, quản lý chung các nội dung liên quan đến quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.
“Để áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở thực hiện các chính sách quản lý chuyên ngành của các Bộ/ngành, đặt ra yêu cầu nghiên cứu và xây một mô hình Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành tập trung”, ông Cường nêu ra vấn đề.
Kinh nghiệm từ mô hình 5 con mắt của Hoa Kỳ
Để hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực kiểm tra đánh giá trong hải quan, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã thực hiện Dự án Tạo thuận lợi Thương mại trong 5 năm, với chi phí 21,7 triệu USD, nhằm mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ là thành viên. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại.
Chia sẻ về kinh nghiệm từ Hoa Kỳ cho việc thành lập Trung tâm quản lý rủi ro ở Việt Nam, ông Daniel Baldwin, Chuyên gia Quốc tế Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID cho biết, điều quan trọng khi nói tới trọng tâm xây dựng mô hình trung tâm này là cần xác định duy trì được sự minh bạch trong các cơ quan liên ngành khác nhau.
Ba hình thức có thể áp dụng khi xây dựng mô hình, gồm: ủy quyền, hợp tác giao ủy quyền hoặc đưa các bộ tham gia biệt phái tại trung tâm.
Giới thiệu về mô hình 5 con mắt đại diện cho 5 cơ quan khác nhau đã được áp dụng tại Australia, New Zealand, Canada và Vương quốc Anh, ông Daniel Baldwin cho rằng, mô hình trung tâm quản lý rủi ro cần có cái nhìn tổng thể về chuỗi thương mại, sử dụng dữ liệu thương mại gửi trước và công cụ phân tích tiên tiến, với các đối tác phân tích thương mại, thanh tra, hình sự, thuế…
“Bên cạnh đó, để quản lý rủi ro liên ngành tập trung, Hoa Kỳ còn xây dựng Hội đồng điều hành biên giới liên ngành (BIEC)", ông Daniel Baldwin gợi mở.
Ông Daniel Baldwin, Chuyên gia Quốc tế Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID
Lưu ý các quy chuẩn khi áp dụng kinh nghiệm
Kết quả mong đợi từ Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ sẽ giúp Việt Nam xây dựng môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn, ổn định hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm quốc tế cũng cần lưu ý đến yếu tố chủ quan trong nước.
Đóng góp vào việc hình thành mô hình trung tâm quản lý rủi ro liên ngành ở Việt Nam, bà Trần Thị Hoàng Yến, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, bản thân VASEP là hiệp hội xuất nhập khẩu nhiều nên đánh giá cao mô hình Tổng cục Hải quan đưa ra.
“Trong vấn đề nhập khẩu hàng hóa, VASEP nhận thấy nhiều khẩu kiểm soát chưa hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng một mô hình cụ thể, chi tiết để các hiệp hội nhận thức được rõ ràng hơn và có sự thống nhất giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cũng như sớm đưa mô hình vào thực tế”, bà Yến đề xuất.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Liêm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) lại có chia sẻ, khi nghiên cứu mô hình của Hoa Kỳ để áp dụng vào Việt Nam cần lưu ý đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện tại trong nước, sự phân công phân cấp tham gia của các cơ quan liên ngành. “Vì thể chế 2 nước khác nhau nên không thể áp dụng dập khuân, máy móc. Cần có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ vướng mắc”, ông Liêm nêu ý kiến.