Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm giai đoạn 2021-2025

Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống (thủy điện, than...) trên đà suy giảm, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau 2026. Đây là nhận định được ông Phùng Văn Sỹ, Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) đưa ra Hội thảo 'Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam' mới đây.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp khí là một trong những nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Hiện nay, cấu trúc thị trường khí Việt Nam đang vận hành tốt, đảm bảo được mục tiêu kiểm soát, điều tiết của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống (thủy điện, than...) trên đà suy giảm thì việc đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí đang là một thách thức lớn.

Số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có khoảng 7.200 MW điện khí, cung ứng 45 tỷ kWh mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia. Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỷ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG.

 Dự báo thị trường tiêu thụ khí trong thời gian tới.

Dự báo thị trường tiêu thụ khí trong thời gian tới.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phùng Văn Sỹ, Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) thông tin, bên cạnh nguồn khí trong nước, từ sau 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau 2026.

Ông Sỹ giải thích, năm 2019 khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỷ m3, tuy nhiên khả năng cấp khí như hiện tại sẽ chỉ duy trì được đến 2022 và từ 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt. Vì vậy, giai đoạn sau 2020 nguồn khí trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, nên Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí hiện có.

Ngoài ra, với mức cấp khí từ thượng nguồn và huy động tại hạ nguồn như hiện nay, dự kiến quyền lấy bù khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hết vào tháng 10/2019. Sau thời điểm cân bằng, khả năng cấp khí của PVN qua đường ống PM3-Cà Mau sẽ chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ năm 2023 và ngừng cấp khí từ 2028.

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn. Một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển thị trường cạnh tranh bán lẻ. Thị trường khí Việt Nam hiện đang kinh doanh các sản phẩm khí chủ yếu như: Khí thiên nhiên; khí LPG, CNG, khí khô, khí ngưng tụ, khí LNG.

Nguyên tắc cơ bản của cơ chế giá thị trường là nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của ngành công nghiệp khí đối với kinh tế, xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như vấn đề an toàn, an ninh năng lượng nên vai trò quản lý của nhà nước đối với các sản phẩm khí là cần thiết. Theo đó, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước.

 Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, với các sản phẩm LPG, CNG, LNG vẫn tiếp tục là mặt hàng đưa vào danh mục bình ổn giá; các doanh nghiệp thực hiện đăng ký (trong thời kỳ áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thường xuyên) theo quy định.

Đối với khí thiên nhiên, do các nguồn khí hiện nay đang có xu hướng suy giảm, cần xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác các nguồn khí bổ sung hoặc thay thế các nguồn hiện tại; đánh giá hiệu quả phương án nhập khẩu khí với những nguồn khí giá rẻ đảm bảo an ninh năng lượng.

Về cơ chế giá khí, xem xét đưa sản phẩm khí tự nhiên vào danh mục bình ổn giá (các hình thức quản lý đối với sản phẩm thuộc danh mục bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền chủ động quyết định giá của doanh nghiệp, việc đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích nắm bắt thông tin, kịp thời có biện pháp quản lý khi có biến động bất thường, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng).

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo đó 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG; khí thiên nhiên nén – CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Luật Dầu khí và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung chưa phù hợp với thực tế, như chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn. Các hoạt động trung hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam cần tập trung xây dựng theo hướng thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-dong-kinh-te/viet-nam-se-can-nhap-14-ty-m3-khi-lng-moi-nam-giai-doan-20212025-6106.html