Việt Nam sẽ có xã thông minh vào cuối năm 2020

Tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) khảo sát và chọn xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) để triển khai thí điểm chuyển đổi số và xây dựng địa phương này thành xã thông minh vào cuối năm 2020.

Yên Hòa là một xã miền núi thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với phần lớn diện tích được sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Toàn xã có tổng cộng 7.557 nhân khẩu, 2.301 hộ gia đình với mức thu nhập bình quân 48,12 triệu/người/năm.

So với các địa phương khác tại tỉnh Ninh Bình, xã Yên Hòa có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh khá cao, chiếm trên 70% dân số. Bên cạnh đó, khoảng 90% hộ dân trong xã tiếp cận được với đường truyền Internet.

Yên Hòa là một xã đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tới đây, Yên Hòa sẽ trở thành một "xã thông minh" nhờ áp dụng chuyển đổi số. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình

Yên Hòa là một xã đạt chuẩn nông thôn mới tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tới đây, Yên Hòa sẽ trở thành một "xã thông minh" nhờ áp dụng chuyển đổi số. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình

Theo ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình, sau khi thống nhất và bàn bạc với Cục Tin học hóa, địa phương này sẽ thực hiện chuyển đổi số trên 4 lĩnh vực.

Các lĩnh vực này bao gồm tái cấu trúc hạ tầng số, thúc đẩy thương mại điện tử, triển khai truyền thanh thông minh và kết nối người dân với bệnh viện thông qua kênh tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa.

Cụ thể, xã Yên Hòa sẽ tăng cường an toàn thông tin, kết hợp tái cấu trúc hạ tầng để thúc đẩy việc triển khai chính phủ điện tử tại địa phương. Người dân xã Yên Hòa cũng sẽ được tiếp cận với các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua QR Code tại bộ phận một cửa và trạm y tế xã.

Cục Tin học hóa sẽ giúp kết nối người dân xã Yên Hòa với các sàn thương mại điện tử để tạo đầu ra mới cho nông sản địa phương.

Cục Tin học hóa sẽ giúp kết nối người dân xã Yên Hòa với các sàn thương mại điện tử để tạo đầu ra mới cho nông sản địa phương.

Thông qua sự giới thiệu của Cục Tin học hóa, địa phương này sẽ kết nối với với các sàn thương mại điện tử, biến đây trở thành kênh tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Những sản phẩm thế mạnh của Yên Hòa có thể khai thác qua kênh bán hàng online là cá và rau sạch. Cùng với đó, thương mại điện tử cũng sẽ là đầu ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương như xây dựng và đan lát.

Xã Yên Hòa cũng dự kiến chuyển đổi 8 đài truyền thanh cũ nhờ việc kết hợp các hệ thống sẵn có với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo đó, các cán bộ phụ trách thông tin sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền bằng video hoặc audio tự động. Điều này được thực hiện bằng công cụ chuyển đổi văn bản thành giọng nói tiếng Việt do công ty Vbee của Việt Nam phát triển.

Việc sử dụng AI trong công tác truyền thanh tuyến xã sẽ giúp tiết kiệm nhân lực cho địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền xã có thể thay đổi giọng đọc của phát thanh viên tùy theo ý muốn.

Hệ thống phát thanh tuyến xã tại Yên Hòa sẽ được tích hợp thêm phần mềm Vbee với khả năng chuyển văn bản thành giọng nói tiếng Việt. Điều này giúp giảm tải bớt công việc cho cán bộ địa phương.

Hệ thống phát thanh tuyến xã tại Yên Hòa sẽ được tích hợp thêm phần mềm Vbee với khả năng chuyển văn bản thành giọng nói tiếng Việt. Điều này giúp giảm tải bớt công việc cho cán bộ địa phương.

Xã Yên Hòa hiện cũng đang tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế bằng việc triển khai dịch vụ tư vấn chăm sóc khám chữa bệnh từ xa.

Sau 2 tuần triển khai, dịch vụ này đã tiếp cận được hơn 1.000 hộ gia đình, giúp khảo sát sức khỏe cho hơn 1.300 người trong xã. Hơn 1.000 người dân xã Yên Hòa cũng đã được hướng dẫn tham gia group “Yên Hòa hỏi, bác sĩ trả lời”.

Theo thống kê của Sở TT&TT Ninh Bình, tổng số tiền mà người dân Yên Hòa tiết kiệm được nhờ việc thăm khám online trong 2 tuần qua là 27,4 triệu đồng. Nếu tiếp tục được duy trì, mỗi năm dịch vụ này sẽ tiết kiệm cho người dân khoảng 600 triệu đồng chi phí di chuyển, thăm khám.

Hơn 1.000 người dân Yên Hòa đã tham gia group "Yên Hòa hỏi - bác sĩ trả lời" trên mạng xã hội. Ảnh: Trọng Đạt

Hơn 1.000 người dân Yên Hòa đã tham gia group "Yên Hòa hỏi - bác sĩ trả lời" trên mạng xã hội. Ảnh: Trọng Đạt

Kể từ tháng 9/2020, trạm y tế xã Yên Hòa sẽ được kết nối với các bệnh viện trung ương bằng hệ thống tele health. Đây cũng là cách để giúp các bệnh viện tuyến trên giảm tải một phần áp lực.

Lãnh đạo và người dân xã Yên Hòa đang rất quyết liệt trong việc thí điểm chuyển đổi số để trở thành xã thông minh. Không chỉ riêng địa phương này, Cục Tin học hóa đang triển khai thí điểm mô hình xã thông minh tại 12 xã trên toàn quốc.

Các xã được chọn triển khai thí điểm mô hình này sẽ có đặc điểm, đặc thù khác nhau, từ miền núi đến nông thông, biên giới đến hải đảo, cho tới cả sự khác biệt về mức độ sẵn sàng ứng dụng ICT.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc triển khai thí điểm mô hình xã thông minh sẽ góp phần hình thành nên bộ cẩm nang về chuyển đổi số quốc gia. Đây sẽ là tài liệu chia sẻ các bài học thành công và thất bại trong công tác chuyển đổi số để các địa phương khác trên cả nước có thể tham khảo và học tập.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/viet-nam-se-co-xa-thong-minh-vao-cuoi-nam-2020-672443.html