Việt Nam sẽ tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận phát triển điện hạt nhân
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Chính phủ báo cáo trước cấp có thẩm quyền tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận theo cam kết cũ, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Thông tin này được Tư lệnh ngành Công thương cho biết tại buổi làm việc của Đoàn công tác bộ này tại Nhật Bản, với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản, nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân vừa diễn ra.
Kiến nghị giao EVN làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngoài hoạt động trên, ông Diên còn cho biết, 6 nhóm nhiệm vụ khác sẽ được thực hiện trong thời gian tới để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Việc này có thể sẽ sớm được hoàn thành vì bản thân dự án đã có từ trước đây và Việt Nam chỉ là tái khởi động dự án", ông Diên thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ chủ trì các bộ ngành tham mưu xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ rà soát, xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ đầu tư EVN khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.
"Chủ đầu tư EVN rà soát lại số nhân lực đã được đào tạo tại Nhật Bản, nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới.
Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan sẽ nỗ lực đảm bảo các công việc này được thực hiện đúng lộ trình đề ra. Đồng thời, chủ đầu tư EVN cũng sẽ khẩn trương rà soát và tiếp tục triển khai hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia của dự án", Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, do vậy, ông Diên nhấn mạnh và khẳng định, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư.
Tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn
Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, bản thân Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân.
Do vậy, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề lựa chọn công nghệ.
"Việt Nam quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố. Các công nghệ trước khi được lựa chọn cần đảm bảo tiêu chuẩn chung về an toàn, đáp ứng được những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế", ông Diên nói.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ông Diên bày tỏ: thời gian tới, các đơn vị liên quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau rà soát lại số nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại.
Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.
"Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào việc Việt Nam có thể thực hiện xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân thành công", tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh.
Ông Diên cũng cho biết, trong kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về công nghiệp, thương mại, năng lượng diễn ra chiều 19/12, ông đã chính thức đề nghị với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.
Tại Việt Nam, sau 8 năm (kể từ năm 2016) tạm dừng các dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hiện đang cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.
Hiện nay tổng công suất hệ thống điện năm 2024 khoảng 85.000 MW, tổng công suất cần đạt năm 2030 là khoảng 150.000 MW, và năm 2050 cần đạt 400.000 - 500.000 MW. Ông Diên nói rằng, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Đồng thời, việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 8/2024 trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735 MW và 62 lò đang xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MW.
Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và khoảng 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.