Việt Nam sẽ tạo nên Kỳ tích sông Hồng khi triển khai Đổi mới 4.0
Chính phủ Việt Nam đã ra những quyết định dũng cảm, hợp lý để chống dịch COVID-19, chủ động với các giải pháp đồng bộ để phục hồi kinh tế. Tuy đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng các cách làm của giai đoạn đổi mới lần thứ nhất hiện đang 'tới hạn', đòi hỏi Việt Nam cần sớm có cuộc đổi mới tiếp theo - 'đổi mới 4.0' để có thể tạo nên một kỳ tích sông Hồng.
Đây là những chia sẻ của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong buổi trò chuyện với một số nhà báo trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Điểm sáng chống dịch COVID-19
Đại diện WB đánh giá, Việt Nam đã phòng, chống tốt dịch bệnh COVID-19, trở thành điểm sáng của thế giới về chống dịch, vì đây là việc không đơn giản.
Ông Ousmane Dione cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quyết định dũng cảm, hy sinh một số lợi ích kinh tế một cách hợp lý như thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, ngừng các chuyến bay, đóng cửa một số tuyến biên giới đúng lúc...
Kết quả của Việt Nam đạt được do biết kết hợp giữa vai trò lãnh đạo quyết liệt, quyết định kịp thời dù đầy khó khăn của Chính phủ với tính kỷ cương và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, của người dân Việt Nam.
Trong khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên thế giới, nhiều nước phát triển đến nay vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, thì Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới. Thậm chí, Việt Nam đã có những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong khi tăng trưởng của thế giới về âm.
“Dù là nền kinh tế mở, chịu nhiều thiệt hại tác động do bối cảnh thế giới khó khăn, việc giữ được các chỉ số vĩ mô ở mức ổn cho thấy tính chống chịu của kinh tế Việt Nam khá tốt trước các cú sốc từ bên ngoài”, ông Ousmane Dione phân tích.
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, trong vài năm qua, Việt Nam thành công trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong quá trình phát triển cũng nảy sinh nhiều vấn đề phải thích ứng. Ví dụ, do dịch COVID-19, tình hình thương mại quốc tế đã thay đổi, chiến lược phát triển của Việt Nam cần nhanh chóng được đổi mới. Với gần 100 triệu dân, khoảng 25 triệu người trung lưu thì thị trường nội địa của Việt Nam đã là khá rộng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn thời kỳ hậu COVID-19 nhưng chưa có nhiều DN tận dụng tốt.
Quản lý nợ công hiệu quả nhưng còn điểm nghẽn về giải ngân
Riêng về vấn đề nợ công, trước kia khi còn là nước vay hỗn hợp hay là nước vay IDA, Việt Nam được tiếp cận với nguồn vốn lớn từ IDA với chi phí vay thấp trong một thời gian dài. Đến khi ông Ousmane Dione nhận nhiệm vụ Việt Nam chuẩn bị tốt nghiệp IDA (tức dừng vay từ IDA) (từ ngày 1/7/2017) phải chuyển sang vay vốn IBRD ít ưu đãi hơn dành cho các nước đang phát triển nhưng có thu nhập bình quân tương đối khá. Trong khi đó, thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước lãi suất khá thấp và hấp dẫn.
Trong quá trình hợp tác, Giám đốc Quốc gia WB đánh giá Việt Nam đã quản lý nợ công tốt. Tỉ lệ nợ công/GDP đến nay đã giảm xuống còn 54% trong khi duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức chấp nhận được.
“Để quản lý nợ công tốt, giải bài toán quan trọng Việt Nam cần giải là làm sao khi bỏ ra một đồng vốn vay thì phải thu được 4-5 đồng”, ông Ousmane Dione đưa ra lời khuyên.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư công, quản lý nợ công, cố gắng triển khai, huy động và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài minh bạch, hiệu quả, đã đặt ra trần nợ công.
Tuy nhiên, giải ngân chưa được như kỳ vọng, một phần do trần nợ công khá chặt, trong khi quy trình thủ tục phức tạp, cách làm việc của các cán bộ thực thi còn cứng nhắc, thiếu vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng…
“Có những dự án từ Cà Mau vẫn phải chuyển bản cứng ra Hà Nội kiểm tra từng hạng mục xác minh, đối chiếu khối lượng trước khi có thể thanh toán. Hay có không ít dự án ODA bị chậm tiến độ từ vài tháng đến vài năm, dồn ứ lại vì cách thực hiện không hợp lý kết hợp với chậm trễ giải quyết ở các khâu”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam dẫn chứng.
Ông Ousmane Dione cho rằng, khi công nghệ phát triển nhưng các bộ ngành liên quan trong từng khâu đều yêu cầu “ký và đóng dấu”, thì mỗi khâu lại bị chậm trễ, có khâu lại bị “ngâm” hàng vài tháng.
“Biết rõ nhiều quy trình là cứng nhắc, thiếu linh hoạt nhưng không ai dám làm khác vì lo sợ rủi ro và trách nhiệm. Nhiều vấn đề có thể giải quyết nếu quyết tâm làm tốt việc đấu thầu điện tử, mọi thứ từ dự án, lựa chọn nhà thầu… minh bạch ở mọi khâu trên hệ thống công khai, Việt Nam đáng ra có thể làm tốt hơn việc này”, ông Ousmane Dione trăn trở.
Thực tế, việc giải ngân các dự án lớn chậm không chỉ kéo thời gian mà còn làm ảnh hưởng đến mục tiêu hiệu quả ban đầu đặt ra với dự án.
Về môi trường kinh doanh, Giám đốc Quốc gia WB đánh giá, thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực cải thiện, trải thảm đỏ với các nhà đầu tư. Người châu Phi có câu “thảm đỏ hấp dẫn để bước chân đất lên nhưng cần đề phòng có đá dăm ở dưới”, câu chuyện trên rải thảm dưới rải đinh đã xảy ra không ít. Nếu quốc gia nào để xảy ra hiện tượng này thì sẽ làm hỏng đi triển vọng của mình.
Vượt “ngưỡng” vô hình để bứt phá
Là người đã từng làm việc ở khoảng 60 quốc gia, ông Ousmane Dione chia sẻ, trong 4 năm làm việc, đã đi hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam và đây là khoảng thời gian tuyệt vời.
Khi đi công tác từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, đại diện WB cảm nhận, con đường phát triển của Việt Nam có nền tảng khá vững chắc là quá trình đổi mới trong hơn 30 năm qua.
Đáng mừng là tuy còn nghèo, nhưng nhiều người dân Việt ở vùng sâu vùng xa đã tiếp cận được các ứng dụng, công nghệ mới.
Ông Ousmane Dione kể đã từng chứng kiến một số phụ nữ ở tận vùng núi xa xôi hẻo lánh Hà Giang dùng điện thoại di động để thanh toán khi mua hàng mà không cần mất cả ngày đi về khu trung tâm hay ra tận ngân hàng giao dịch.
Dẫn ra ví dụ trên, ông Ousmane Dione muốn nhấn mạnh, cần phải thay đổi từ tư duy gắn liền với động lực, khát vọng, quyết tâm thực sự thay đổi, quyết tâm bứt phá với việc dùng công nghệ cao, với kỹ thuật số để hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
“Trong 4 năm qua, tiếp xúc với không ít nhà lãnh đạo Việt Nam và người dân Việt Nam, gặp ai tôi cũng cảm nhận được họ đang có nhu cầu cần cải cách”, Giám đốc WB nói.
Quá trình cải cách cũ dường như đã kịch ngưỡng, để Việt Nam phát triển lên một bậc nữa thì cần phát triển khác, một cuộc đổi mới để phá vỡ trần vô hình, một cuộc đổi mới vượt qua các thách thức hiện nay, hay còn gọi là “đổi mới 4.0”, thiên về chất hơn.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần chú ý một số thành tố. Trước tiên là vấn đề quản lý nhà nước cần phải cải thiện chất lượng. Cần tăng khả năng đổi mới sáng tạo cho bộ máy nhà nước, trong đó cần tận dụng thế mạnh kĩ thuật số để cải cách.
Thứ hai là công tác lập kế hoạch và nâng cao năng lực cần thiết và liên quan đến đội ngũ triển khai thực hiện, làm sao để đưa những quyết sách hiệu quả vào cuộc sống.
Thứ ba là cơ chế báo cáo, giải trình. Việt Nam cần nhiều hơn các báo cáo phân tích chính xác hiệu quả, minh bạch và kịp thời để giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, có sức tác động hơn.
Việt Nam cần thúc đẩy ngoại giao kinh tế để mở đường cho doanh nghiệp vươn ra nước ngoài, tiếp cận công nghệ mới, tạo nguồn lực mới. Ví dụ, dù hiện là quốc gia “hút” nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng Việt Nam vẫn gặp vấn đề trong việc kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với khu vực tư nhân trong nước, thiếu sự gắn kết, gia tăng giá trị.
Khi tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do, có không ít doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, nhưng số đông vẫn chưa tận dụng được cơ hội để tạo sự gắn kết với khu vực đầu tư nước ngoài để vươn ra bên ngoài. Đáng khích lệ là khi tham gia sân chơi lớn, Việt Nam có động lực rất tốt để buộc phải nâng cao tiêu chuẩn của chính mình.
Việt Nam cần củng cố, tích hợp được nhiều nguồn lực như nguồn vốn tư nhân, nhân lực kỹ năng cao, đổi mới sáng tạo, hạ tầng… để tăng trưởng nhanh và bảo đảm bền vững, giữ được môi trường xanh sạch, giảm khí thải, giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, sạt lở đất, bảo vệ nguồn tài nguyên...
Đại diện WB nhận định: Việt Nam hôm nay đang đứng trước ngã ba đường với các lựa chọn. Vài chục năm trước, Hàn Quốc cũng như vậy và họ đã tạo được “Kỳ tích sông Hàn”.
“Do đó, nếu có bước chuyển đổi chính xác thì trong khoảng hơn 10 năm tới, Việt Nam trong tương lai gần sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Là hình mẫu để chia sẻ cho các nước mới nổi, tôi tin rằng Việt Nam đổi mới mạnh mẽ và đúng cách sẽ tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, ông Ousmane Dione kỳ vọng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Ousmane Dione, Giám WB tại Việt Nam chào tạm biệt kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam.Thủ tướng đã đánh giá cao cá nhân ông Ousmane Dione là người bạn thân thiết của Việt Nam, một người bạn tài năng với nhiều đóng góp ấn tượng cho mối quan hệ giữa WB và Việt Nam.
Được biết, ông Ousmane Dione sẽ là Giám đốc WB tại khu vực Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, và Eritria kể từ ngày 1/7/2020.