Việt Nam sở hữu lợi thế sẵn có để phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Trên thế giới hiện có 121 Trung tâm tài chính (TTTC) và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các TTTC hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển. Tại Việt Nam, các điều kiện cần thiết để thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và TTTC khu vực tại Đà Nẵng đang được quyết liệt triển khai.

TP Hồ Chí Minh là nơi được chọn để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt
TTTC quốc tế (IFC) và TTTC là những khái niệm không mới, được nhắc đến trong hơn 40 năm qua. TTTC là một “hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định”, là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và có các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa. Xây dựng TTTC là việc hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính, kết nối với các TTTC quốc tế.
Hiện nay trên thế giới có 121 TTTC và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các TTTC hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển. Trong đó, có thể kể tới 10 TTTC nổi tiếng nhất thế giới hiện nay (xếp theo thứ tự) là: New York, London, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), San Francisco, Chicago, Los Angeles, Thượng Hải, Thâm Quyến và Frankfurt; hay 10 trung tâm ngân hàng dịch vụ nước ngoài (offshore banking) hàng đầu thế giới: Hồng Kông (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Belize, Đức, quần đảo Cayman, Singapore, Panama, Seychelles, Mauritius, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Nhu cầu về một TTTC mới, khác biệt với những TTTC hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các TTTC quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới đang trở nên rất cấp thiết. Trong đó, khả năng hình thành TTTC mới ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ nét.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, thu hút đầu tư lớn, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC, có khả năng liên kết với các TTTC trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho TTTC ở Việt Nam.

Các trung tâm tài chính lớn trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Bộ Chính trị, Chính phủ quyết tâm thực hiện
Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và TTTC khu vực tại Đà Nẵng. Theo Kết luận của Bộ Chính trị, TTTC sẽ được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Về áp dụng các chính sách xây dựng TTTC và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Ngày 4/1/2025, tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành TTTC quốc tế và khu vực.
Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 -4.700 USD; với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức hai con số trong những năm tới.
Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực.
Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.
Thứ năm, chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Việc sớm phát triển TTTC khu vực và quốc tế có ý nghĩa, tác động tích cực, giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Múi giờ khác biệt là lợi thế riêng có của Việt Nam
Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC khu vực và quốc tế: nằm ở ngã tư quốc tế của các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu (đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này).
Năm 2022, Việt Nam có TP Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC toàn cầu tại Báo cáo GFCI 31 với thứ hạng là 102/120; tại Báo cáo GFCI 35 (tháng 3/2024), TP Hồ Chí Minh xếp thứ hạng 108/121 và tại Báo cáo GFCI 36 (tháng 9/2024) xếp thứ hạng 105/121.
Năm 2023, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá là một trong 3 nền kinh tế sáng tạo dẫn đầu trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp; một trong 7 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Năm 2024, được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.
Việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTC khu vực, hướng đến TTTC quốc tế đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. P.Mai