Việt Nam tăng cường nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về công ước CAT

Việc tham gia Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT) là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

UBND phường 25, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tuyên truyền Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

UBND phường 25, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tuyên truyền Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 7/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước CAT. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.

Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước, đến nay, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực thi Công ước chống tra tấn. Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn.

Ngày 12/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Trên cơ sở Đề án tuyên truyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.

Ngày 14/9/2022, Việt Nam ban hành Đề án truyền thông về quyền con người với nội dung thúc đẩy tuyên truyền pháp luật quốc tế về quyền con người để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm tới 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Công ước CAT.

Ngày 14/2/2023, Việt Nam ban hành Quyết định số 87, trong đó đặc biệt quan tâm nhiệm vụ “Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban CAT”.

Ngoài các kế hoạch, đề án chuyên sâu về Công ước CAT, nhiều bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã lồng ghép nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn vào các kế hoạch, đề án tuyên truyền những văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến thực hiện nội dung của Công ước CAT như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên…

Việt Nam đã tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, chương trình giảng dạy, các tin, bài, phóng sự chuyên sâu hoặc lồng ghép về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua các pano, áp phích, chương trình phát thanh, truyền hình, mạng internet ở cấp Chính phủ, cấp bộ, ngành, địa phương cho đối tượng là các cán bộ thực thi pháp luật.

Đồng thời Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, trong đó đáng chú ý như: Tổ chức nhiều lớp tập huấn về Công ước CAT cho điều tra viên, giảng viên, báo cáo viên pháp luật trong công an nhân dân; hội thảo và tập huấn về Bộ Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về đối xử với phạm nhân (Quy tắc Nelson Mandela), hội thảo về công tác bảo đảm an ninh, phòng ngừa bạo lực cực đoan trong các cơ sở giam giữ; Hội thảo “tăng cường kết nối, kiểm tra hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong các trại giam” cho đội ngũ y, bác sĩ trong các cơ sở giam giữ; ngành kiểm sát nhân dân đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền về Công ước chống tra tấn trong 14 hội nghị trong ngành về triển khai thi hành các luật, Thông tư liên tịch thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự; tập huấn về các hoạt động nghiệp vụ cụ thể trong công tác kiểm sát; rút kinh nghiệm các kỹ năng nghiệp vụ, mỗi đợt hội nghị có khoảng 34-40 cán bộ, kiểm sát viên tham dự.

Trường Sĩ quan Chính trị đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức trong tuyên truyền Công ước CAT.

Trường Sĩ quan Chính trị đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức trong tuyên truyền Công ước CAT.

Đối với hoạt động báo chí tuyên truyền, Việt Nam đã mở nhiều chuyên mục, đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng internet, trong đó đáng chú ý như: đăng tải nhiều phóng sự, video clip về phòng, chống tra tấn, đăng tải hàng trăm tin, bài về phòng, chống tra tấn cùng nhiều tin bài về giải đáp pháp luật liên quan nội dung Công ước CAT.

Việt Nam cũng tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực và kinh nghiệm; biên soạn, phát hành, đăng tải các cuốn sách, tài liệu tuyên truyền, tài liệu giảng dạy; tin, bài, phóng sự, chuyên đề về quyền con người trong đó có quyền chống tra tấn cho phụ nữ, trẻ vị thành niên và các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo. Trong đó, đáng chú ý như: tổ chức 2 hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái”; tổ chức hơn 800 hội thi, hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm cung cấp thông tin và lồng ghép các nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong vùng dân tộc thiểu số với sự tham gia của khoảng 80.000 lượt người.

Phát hành tài liệu “Hướng dẫn dành cho cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ công dân Việt Nam bị bạo lực giới và bị mua bán” với những lưu ý, hướng dẫn cụ thể đối với cán bộ ngoại giao khi tiếp xúc, hỗ trợ công dân bị bạo lực, bị mua bán, nhất là phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số, để giảm thiểu tối đa tình trạng dễ bị tổn thương của họ và ngăn ngừa các nguy cơ tra tấn.

Các đại biểu tham dự lễ tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước CAT vào tháng 7/2022.

Các đại biểu tham dự lễ tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước CAT vào tháng 7/2022.

Có thể khẳng định, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

HÀ NHÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-tang-cuong-nang-cao-nhan-thuc-hieu-biet-phap-luat-ve-cong-uoc-cat-post853348.html