Việt Nam-Thái Lan: Nấc thang lên tầm cao mới

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai quốc gia ASEAN trong việc tăng cường phối hợp, cùng nhau hoạch định các chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới tầm cao mới cho quan hệ song phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane, Lào ngày 9/10/2024. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane, Lào ngày 9/10/2024. (Nguồn: VGP)

Từ ngày 15-16/5, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và tái khởi động Kỳ họp nội các chung sau hơn chín năm với những định hướng cụ thể hóa Đối tác chiến lược tăng cường và hướng tới một tầm cao mới trong bối cảnh mới.

Dấu mốc quan trọng

Chuyến thăm được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan. Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kể từ khi nhậm chức (tháng 8/2024) cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau hơn 10 năm. Đồng thời, đây là Kỳ họp nội các chung của Thủ tướng hai nước sau hơn chín năm.

Cuộc làm việc sắp tới tại Hà Nội đánh dấu cuộc hội ngộ giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Thái Lan. Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 ở Lào (ngày 9/10/2024), Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho hay sẽ thu xếp sớm thăm chính thức Việt Nam.

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do hai Thủ tướng chủ trì.

“Các văn kiện dự kiến được hai bên ký kết sẽ tạo nền tảng mới cho hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng như tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố vững chắc nền tảng hữu nghị và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng

Trong thời gian ở Hà Nội, nhà lãnh đạo Thái Lan sẽ hội kiến các Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Kỳ họp Nội các chung lần thứ tư và Diễn đàn doanh nghiệp. Việc tiếp đón trọng thị và chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến thăm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có Thái Lan.

Sự hiện diện của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tại Việt Nam càng thêm ý nghĩa trong những ngày giữa tháng Năm lịch sử vào đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), đặc biệt khi đất nước Chùa Vàng là chặng dừng chân của Bác Hồ trên hành trình tìm đường cứu nước giai đoạn 1928-1929.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2026) và trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực.

Như nhận định của học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn, hai nước “có mối quan hệ tuyệt vời và đang dần trở thành một trong những quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất trong khu vực”. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam. Tiếp đà mạnh mẽ đó, chuyến thăm như nấc thang quyết định để hai bên đưa quan hệ song phương phát triển trên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Thông tin về chuyến thăm, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Jirayu Huangsap cho biết, chuyến thăm hướng tới nâng quan hệ song phương lên tầng nấc cao nhất, phản ánh sự hợp tác sâu sắc và lợi ích chung trong các lĩnh vực quan trọng giữa hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, trong chuyến thăm, hai bên tiến hành họp Nội các chung lần thứ tư, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt, thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương. Trong khi đó, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya tin tưởng rằng, việc Thủ tướng Chính phủ hai nước gặp gỡ và trao đổi sẽ gửi tín hiệu đến tất cả các ngành, các cấp, cùng nhau tích cực phối hợp, đưa ra các sáng kiến mới, hướng tới cột mốc nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao vào năm sau.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, đang phải đối mặt với sự bất ổn của tình hình quốc tế và sự thay đổi khó lường về địa chính trị, địa kinh tế. Do đó, đây là dịp để lãnh đạo hai quốc gia thành viên ASEAN cùng trao đổi để tìm ra các giải pháp, cùng nhau hợp tác để vượt qua những khó khăn hiện tại, củng cố vững chắc hợp tác kinh tế và quan hệ trong khu vực.

Kết nối phát triển bền vững

Kể từ khi thiết lập năm 2013, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan đã phát huy hiệu quả trong việc làm sâu sắc quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước trên mọi kênh và lĩnh vực, ở cấp độ song phương và đa phương. Hai nước đều hiểu rõ tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ song phương trong sự phát triển của mỗi nước và mong muốn không ngừng tăng cường mối quan hệ này.

Trong cuộc gặp tại Lào cách đây hơn bảy tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của việc triển khai Chiến lược “Ba kết nối”, đặc biệt là kết nối chuỗi cung ứng và các lĩnh vực chiến lược như giao thông vận tải, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng…; nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như kinh tế, du lịch, giao thông, kết nối đa phương tiện, hợp tác địa phương; phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch “Sáu quốc gia, một điểm đến”.

“Qua tiếp xúc với khối doanh nghiệp, tôi nhận thấy các nhà đầu tư rất tin tưởng vào tiềm năng và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư số một của Thái Lan tại nước ngoài”. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya

Đáng chú ý, Kỳ họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ tư diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi nước và quan hệ song phương. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước chuẩn bị cho Đại hội XIV.

Trong khi đó, Thái Lan cũng nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 13 (2023-2027) và chương trình nghị sự của Chính phủ Thái Lan cho năm 2025, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế và chăm lo phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh đó, Kỳ họp là dịp để hai nước tiến hành rà soát, đánh giá, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng trong quan hệ hợp tác thời gian qua; đi sâu trao đổi chiến lược, xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực.

Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, chuyến thăm tập trung vào ba trụ cột: An ninh, tăng trưởng kinh tế và phát triển tương lai. Các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Kỳ họp nội các chung bao gồm: Kết nối kinh tế, nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, phúc lợi lao động, tội phạm xuyên biên giới, du lịch, sự tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhìn từ góc độ khu vực, Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia đi đầu trong thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và đang tích cực tham gia đóng góp xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Hai nước cùng ưu tiên các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.

Học giả Kavi Chongkittavorn cho rằng, Việt Nam và Thái Lan cũng như các thành viên ASEAN khác là những nước thúc đẩy khối này trở thành nhân tố gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế đầy bất định hiện nay. Vì vậy, Kỳ họp nội các chung là cơ hội để hai nước đi sâu hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng, qua đó góp phần quan trọng hơn vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ở giai đoạn mới.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và Kỳ họp Nội các chung lần thứ tư giữa hai nước thể hiện rõ quyết tâm chính trị và khát vọng tăng cường kết nối, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-thai-lan-nac-thang-len-tam-cao-moi-314428.html