Việt Nam tham dự hội nghị rà soát về thỏa thuận di cư châu Á-Thái Bình Dương

Tại hội nghị, Việt Nam đã có bài phát biểu quốc gia tại phiên rà soát tiến độ và đánh giá những thách thức trong triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự châu Á-TBD.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng (bên trái) và trưởng đoàn Việt Nam Phan Thị Minh Giang tại hội nghị. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng (bên trái) và trưởng đoàn Việt Nam Phan Thị Minh Giang tại hội nghị. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, từ ngày 4-6/2 tại thủ đô Bangkok, đoàn liên ngành Việt Nam do bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, dẫn đầu đã tham dự Hội nghị rà soát lần thứ 2 tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai.

Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hội nghị do Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) và Mạng lưới Di cư của Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhằm đánh giá tiến độ triển khai Thỏa thuận GCM tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ Hội nghị rà soát lần thứ nhất vào tháng 3/2021, đồng thời xác định thách thức và những vấn đề ưu tiên trong việc thúc đẩy triển khai thỏa thuận này.

Tham dự hội nghị có khoảng 250 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, quan sát viên thường trực của ESCAP, cùng các cơ quan thuộc hệ thống LHA, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các bên liên quan khác.

Tại hội nghị, Việt Nam đã có bài phát biểu quốc gia tại phiên rà soát tiến độ và đánh giá những thách thức trong triển khai Thỏa thuận GCM, đồng thời trao đổi tích cực tại các phiên thảo luận bàn tròn về 23 mục tiêu cụ thể của thảo thuận.

Đại diện đoàn Việt Nam, bà Phan Thị Minh Giang, chia sẻ những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã thực hiện được trong triển khai Thỏa thuận GCM trên 3 lĩnh vực, gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến di cư quốc tế; tăng cường thu thập thông tin, dữ liệu về di cư quốc tế; và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để mở rộng các kênh di cư hợp pháp, an toàn, bảo đảm quyền an sinh xã hội và sức khỏe của người di cư.

Việt Nam đề nghị Mạng lưới Di cư của Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ các quốc gia thành viên triển khai Thỏa thuận GCM phù hợp với ưu tiên của mình, xây dựng các chiến lược để ứng phó kịp thời với những thách thức đang nổi lên trong di cư quốc tế hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ngày 5/2, bà Phan Thị Minh Giang đã gặp ông Iori Kato, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) để trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai bên.

Bà cho biết Việt Nam đánh giá cao vai trò của IOM trong thúc đẩy quản trị di cư hợp pháp, an toàn và trật tự trên toàn cầu; cảm ơn sự hỗ trợ IOM và các đối tác đã dành cho Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM và khắc phục hậu quả bão Yagi; mong muốn IOM tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực này. IOM khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực di cư, với trọng tâm là di cư lao động và biến đổi khí hậu.

Ngày 6/2, Việt Nam cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Nepal đồng chủ trì một sự kiện bên lề với chủ đề “Bảo vệ người di cư làm công việc chăm sóc và giúp việc gia đình: Bảo hộ pháp lý, những khuôn khổ pháp lý và lắng nghe tiếng nói của người lao động.”

 Bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Minh Giang khẳng định tầm quan trọng của người di cư làm công việc chăm sóc và giúp việc gia đình trong nền kinh tế chăm sóc và kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa hợp tác đa bên trong việc bảo vệ quyền và trao quyền cho người lao động để họ có thể đóng góp cho cả nước đến làm việc và quê hương của mình.

Theo bà Phan Thị Minh Giang, điều này sẽ góp phần đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận GCM trong bối cảnh chuyển đổi việc làm và nhu cầu ngày càng cao về nhân lực làm công việc chăm sóc.

Tại sự kiện bên lề này, các bên đã trao đổi nhiều vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường bảo vệ người lao động di cư bao như phê chuẩn các công ước có liên quan, đẩy mạnh đối thoại và xây dựng dữ liệu.

GCM là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 19/12/2018 tại kỳ họp khóa 73, với 152 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ.

Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch trên, đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 7 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các bước triển khai của mình.

Ngoài ra, Việt Nam đã có Báo cáo tự nguyện rà soát tiến độ triển khai Thỏa thuận GCM tại hai kỳ rà soát khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-tham-du-hoi-nghi-ra-soat-ve-thoa-thuan-di-cu-chau-a-thai-binh-duong-post1010972.vnp