Việt Nam thể hiện sự nỗ lực để giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu khi tham dự COP26

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực. Từ mỗi cá nhân người dân Việt Nam đều nỗ lực để bảo vệ môi trường.

Ngày 31/10, hội nghị COP26 khai mạc tại Glasgow, Vương quốc Anh. Dự kiến trong chương trình công tác từ ngày 31/10 đến 3/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và có bài phát biểu tại COP26; Có các tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các quỹ quốc tế, tham dự sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26.

Năm nay hội nghị đặt ra kỳ vọng các quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của mỗi nước để đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỉ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

4 mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là Bảo vệ mục tiêu phát thải bằng 0 toàn cầu; Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; Các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỉ USD tài chính khí hậu mỗi năm; Cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã dành hàng tỉ USD cho phòng, chống và phục hồi trước những thiên tai do biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão, hạn hán… với cường độ ngày càng khốc liệt.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việt Nam luôn tự hào là có nguồn tài nguyên phong phú với rừng vàng biển bạc. (Ảnh minh họa)

Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; nông nghiệp; Phòng, chống thiên tai; Môi trường và đa dạng sinh học; Tài nguyên nước; Cơ sở hạ tầng; Các lĩnh vực khác, gồm sức khỏe cộng đồng, lao động-xã hội, văn hóa-thể thao-du lịch.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhất là tiếp cận các nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ.

Là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong 3 thập kỉ qua, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu. Việt Nam đã sớm gửi Liên hợp quốc Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và đưa vào luật để tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương.

Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Đóng góp do Quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật.

Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than; Tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; Mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%.

Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030…

Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Đó là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-the-hien-su-no-luc-de-giam-nhe-bien-doi-khi-hau-toan-cau-khi-tham-du-cop26-60716.html