Việt Nam thu hút dòng vốn quốc tế dịch chuyển

Ngày càng nhiều công ty công nghệ lớn lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhờ vị thế thuận lợi trong sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Sau quyết định đầu tư hơn 500 triệu USD để sản xuất bán dẫn tại Việt Nam, Tập đoàn Amkor (Hoa Kỳ) đã tiếp tục tăng vốn lên 1,6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm tại Việt Nam. Cùng với Amkor, rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác đã có mặt tại Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo AI.

Theo Hiệp hội bán dẫn châu Á, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028. Còn theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, ước tính lên tới 79,3 tỉ USD vào năm 2030. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Ông Nick Clegg , Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta, cho biết: "Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Meta. Kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam là mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI. Chúng tôi sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà phát triển Việt Nam khai thác tiềm năng của AI để phát triển và đổi mới".

Để thu hút dòng vốn quốc tế đang dịch chuyển, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc tạo ra những lợi thế độc đáo là rất quan trọng, như: xúc tiến hình thành các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng hạ tầng đồng bộ và hơn cả là có chính sách thu hút làn sóng FDI công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, 75% doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt. Quá trình tái cơ cấu và những tuyên bố rất mạnh mẽ gần đây của Việt Nam liên quan đến kỷ nguyên mới, liên quan đến những động lực mới để tạo ra sự tăng trưởng hay trong cải cách, cũng làm cho doanh nghiệp châu Âu cảm thấy phấn chấn và đạt nhiều kỳ vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, nhận định: "Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các tập đoàn toàn cầu có xu hướng rút khỏi nền kinh tế đang bị nhắm đến trong các cuộc chiến tranh thương mại. Việt Nam có cơ hội đón làn sóng vốn FDI dịch chuyển. Xu thế chúng ta đón FDI, nhưng là FDI công nghệ mới. Nếu ta đón được nguồn vốn này thì ta cũng có thể tham gia vào và cung ứng ngược trở lại".

Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thu hút làn sóng FDI ngành công nghệ cao trong thời gian tới. Đây sẽ là bước tiến giúp thúc đẩy tăng trưởng vốn FDI trong dài hạn.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-thu-hut-dong-von-quoc-te-dich-chuyen-304745.htm