Việt Nam thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng - Kết quả và những vấn đề đặt ra
Khi tham nhũng đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu, việc Việt Nam tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng là chủ trương đúng đắn, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua chặng đường hơn 10 năm, việc đánh giá toàn diện về kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong thực thi Công ước là rất cần thiết, tạo cơ sở đề xuất những giải pháp phù hợp để việc thực thi Công ước không chỉ dừng lại ở cam kết, mà còn thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta trong thời gian tới.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (gọi tắt là Công ước) là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Công ước có hiệu lực kể từ ngày 14-12-2005. Nội dung của Công ước bao gồm 8 chương, 71 điều quy định về các biện pháp mang tính phòng ngừa và xử phạt, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở tất cả các thành viên. Việc đàm phán, ký kết và thông qua Công ước khẳng định quyết tâm và sự đồng thuận cao về sự cần thiết phải có những nỗ lực chung nhằm giải quyết thách thức do tham nhũng gây ra đối với tất cả các quốc gia. Tính đến ngày 6-2-2020, Công ước đã có 187 thành viên, trong đó có 181 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc (trên tổng số 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc). Công ước đang ngày càng trở thành một trong các điều ước quốc tế phổ cập khi được dẫn chiếu trong nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong những cam kết về chống tham nhũng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nắm bắt được xu thế tất yếu phải thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta sớm có chủ trương giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình xây dựng, đàm phán, ký kết Công ước. Từ ngày 9 đến ngày 11-12-2003, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham gia Lễ ký Công ước tại Mê-ri-đa, Mê-hi-cô. Tiếp đó, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN, “Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”(1), theo đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19-8-2009. Trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã rà soát, phân tích, đánh giá và đưa ra các kế hoạch cụ thể về hoàn thiện thể chế cho phù hợp với các yêu cầu của Công ước; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước(2). Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Công ước và chuẩn bị năng lực cho đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước.
Việc là thành viên chính thức của Công ước đặt ra yêu cầu đối với các thành viên(3), trong đó có Việt Nam, về thực hiện các nghĩa vụ phát sinh, như việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp với các yêu cầu của Công ước(4) (nâng cao mức độ tuân thủ, đặc biệt là đối với các yêu cầu mang tính bắt buộc); nâng cao nhận thức, trao đổi, cung cấp thông tin, cũng như tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Công ước, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia; tham gia cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước (bao gồm tự đánh giá và đánh giá đối với thành viên khác). Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt các nghĩa vụ của thành viên Công ước; tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần được phân tích, đánh giá để từ đó đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện.
Những kết quả đạt được trong thực hiện Công ước
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Sau hơn 10 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu bắt buộc. Có thể thấy, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật được chú trọng một cách toàn diện ở cả khía cạnh phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng. Kết quả nổi bật cần phải kể đến là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó quy định là tội phạm đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước (bao gồm: tham ô, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và đưa hối lộ); quy định là tội phạm đối với hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của các tổ chức công quốc tế; đồng thời, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân làm căn cứ xử lý trong các trường hợp pháp nhân phạm tội nói chung(5).
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao mức độ tuân thủ Công ước khi có những bước tiến đáng kể trong hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng. Luật đưa ra hàng loạt biện pháp mới dựa trên những kết quả đánh giá việc thực thi Công ước của Việt Nam trong thời gian qua(6), như mở rộng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, kèm theo các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước (hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ), để từ đó quy định các cơ chế, biện pháp phòng, chống tham nhũng cho phù hợp, hiệu quả; tăng cường các biện pháp phòng ngừa theo yêu cầu của Công ước, như thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; thực hiện trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích kết hợp với cơ chế chủ động kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; bổ sung các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật.
Cùng với các đạo luật quan trọng nói trên, Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao mức độ tương thích và tuân thủ nhiều yêu cầu của Công ước về phòng ngừa, thực thi pháp luật, thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế, như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tố cáo năm 2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Qua đánh giá chung cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật quan trọng nói trên đều giúp tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công, tài sản công; phát huy sự tham gia tích cực của người dân và xã hội trong giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin và tham gia các hoạt động chung trong khuôn khổ của Công ước.
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp, người dân về Công ước (bao gồm cả thông tin về kết quả rà soát, đánh giá mức độ tương thích và tuân thủ của pháp luật Việt Nam); đồng thời, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cho Ban Thư ký Công ước(7) và các thành viên tại các phiên họp chính thức.
Ở phạm vi trong nước, Việt Nam đã xuất bản nhiều ấn phẩm và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các sự kiện truyền thông để giới thiệu về nội dung của Công ước và kết quả đánh giá mức độ tương thích, tuân thủ của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình đánh giá việc thực thi Công ước, chúng ta còn tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế về kết quả tự đánh giá nhằm chia sẻ thông tin, phát huy sự tham gia tích cực của các bên có liên quan. Kết quả đánh giá trong chu trình đánh giá đầu tiên cũng được thông tin rộng rãi tới các cơ quan nhà nước và toàn xã hội để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng, các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là yêu cầu về nội luật hóa và thực thi pháp luật đã được nêu ra, thảo luận kỹ lưỡng và được coi là một trong những ưu tiên hoàn thiện pháp luật.
Ở phạm vi nước ngoài, Việt Nam đã tham gia hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ thực thi Công ước, bao gồm Hội nghị các thành viên (CoSP) và cuộc họp của các nhóm công tác (Nhóm công tác về phòng ngừa; Nhóm công tác về đánh giá; Nhóm công tác về hợp tác quốc tế và Nhóm công tác về thu hồi tài sản). Việt Nam đã thể hiện quan điểm và có đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện chính sách, pháp luật và các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân, xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức xây dựng Báo cáo tự đánh giá quốc gia với các nước(8). Tại các kỳ họp CoSP, Việt Nam luôn thể hiện thái độ chủ động khi xem xét đồng bảo trợ đề xuất của các thành viên khác về việc xây dựng và thông qua các nghị quyết chuyên đề của CoSP, như về thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ Công ước...
Thứ ba, tham gia cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước.
Cơ chế tự đánh giá (thành viên tự đánh giá tình hình thực thi Công ước của mình) và đánh giá (thành viên tham gia đánh giá tình hình thực thi Công ước của thành viên khác) được nhìn nhận là một trong những cơ chế đánh giá tiến bộ nhất trong khuôn khổ hợp tác đa phương. Một mặt, cơ chế này giúp các thành viên tự nhận diện về mức độ tuân thủ Công ước ở cả khía cạnh quy định và thực thi, kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Mặt khác, cơ chế này cũng giúp chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy trao đổi, đối thoại và học tập lẫn nhau giữa các thành viên về việc thực thi Công ước(9). Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã tham gia cơ chế này rất tích cực, có hiệu quả, từng bước khẳng định vị thế và sự đóng góp chủ động của mình trong cơ chế hợp tác quan trọng này.
Với tư cách là quốc gia được đánh giá, trong cả hai lần thực hiện, Việt Nam đều được Ban Thư ký Công ước và các chuyên gia nước ngoài ghi nhận về quá trình triển khai nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, đặc biệt là việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và tổ chức các hoạt động đánh giá thực địa. Hiện tại, các hoạt động đánh giá việc thực thi Công ước đối với Việt Nam trong chu trình đánh giá thứ hai chuẩn bị kết thúc. Riêng trong chu trình đánh giá đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất việc chuẩn bị báo cáo tự đánh giá và hoàn tất các hoạt động đánh giá. Bản tóm tắt và bản đầy đủ của Báo cáo đánh giá quốc gia về việc thực thi Công ước của Việt Nam đã được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC)(10). Đồng thời, kết quả đánh giá trong chu trình đánh giá đầu tiên (giai đoạn 2010 - 2012) là thông tin quan trọng đối với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan của Việt Nam trong quá trình sửa đổi toàn diện để ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Với tư cách là quốc gia đi đánh giá, hơn 10 năm qua, Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên rất tích cực cử các chuyên gia của Chính phủ tham gia đánh giá đối với quốc gia khác. Trong chu trình đánh giá đầu tiên, Việt Nam đã hai lần tham gia đánh giá đối với Cộng hòa Áo (năm 2011) và Trung Quốc (năm 2015); trong chu trình đánh giá thứ hai, Việt Nam tham gia đánh giá đối với Quốc đảo Xô-lô-môn (năm 2017) và đang chuẩn bị đánh giá đối với Cộng hòa Áo (năm 2020). Các chuyên gia của Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là trong lần đánh giá Trung Quốc, khi mà các chuyên gia của Chính phủ Việt Nam giữ vai trò chủ trì cùng các chuyên gia của Ban Thư ký Công ước và Ba-ha-mát thực hiện đánh giá. Kết quả làm việc của các chuyên gia của Chính phủ Việt Nam đã được các đối tác và Ban Thư ký Công ước ghi nhận; qua đó, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong các diễn đàn hợp tác đa phương.
Những vấn đề đặt ra trong thực hiện Công ước
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Công ước của nước ta cũng đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Công ước, từ đó chủ động hơn trong quá trình hoàn thiện và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tương tự như đối với nhiều điều ước quốc tế khác, Việt Nam khẳng định không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước, mà phải áp dụng các quy định đó phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia và trên nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, khi một số chuẩn mực về phòng, chống tham nhũng(11) của Công ước được dẫn chiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì cần phải có quan điểm chủ động hơn trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động rà soát, có kế hoạch và thực hiện những bước đi cần thiết trong việc hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật theo yêu cầu của Công ước. Thời gian tới, công việc này cần được chú trọng thực hiện một cách chủ động hơn, đặc biệt là ở khía cạnh bảo đảm thực thi các yêu cầu có liên quan đến thực hiện những cam kết về minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP.
Theo đó, cần nghiên cứu để đưa ra các biện pháp bảo đảm thực hiện quy định về tăng cường liêm chính, minh bạch trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước (quy định tại Chương II của Công ước, như kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện các chương trình tuân thủ liêm chính trong hoạt động kinh doanh; các biện pháp nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi...), vì nội dung này gắn với các cam kết tại Điều 26.6 của CPTPP, khi các bên cam kết bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc ứng xử của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) đối với công chức (tháng 7-2007) và khuyến khích tuân thủ Quy tắc ứng xử chống tham nhũng của APEC cho doanh nghiệp: các nguyên tắc minh bạch hóa và liêm chính trong kinh doanh cho khu vực tư nhân (tháng 9-2007). Tương tự như vậy, cần có biện pháp xử lý trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước khi có hành vi hối lộ hoặc liên quan đến hành vi hối lộ (Điều 21 của Công ước có quy định về xử lý đối với hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và quy định này cũng được đề cập tại Điều 26.7 của CPTPP với việc nêu rõ chủ thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào)...
Bên cạnh đó, Công ước cũng đưa ra nhiều quy định tuy không mang tính bắt buộc đối với các thành viên nhưng việc thực hiện lại giúp thúc đẩy những ưu tiên trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, như các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu (Điều 54). Cụ thể, đó là việc xem xét quy định các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người có hành vi vi phạm vì lý do người này đã chết, lẩn trốn, vắng mặt hoặc trong các trường hợp thích hợp khác; đàm phán với các thành viên khác để tiến tới thống nhất việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong hợp tác quốc tế nhằm mục đích tịch thu (đặc biệt là khi tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán ra nước ngoài - quy định tại Điều 55), hoặc xem xét thúc đẩy hợp tác đặc biệt (Điều 56), ký kết các thỏa thuận, các dàn xếp song phương và đa phương nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (Điều 59)... Những quy định này cần tiếp tục được nghiên cứu để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thực thi trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
Hai là, cần chú trọng thúc đẩy các cơ chế hợp tác thực chất hơn trong khuôn khổ của Công ước và coi đó là phương thức hỗ trợ thực thi có hiệu quả pháp luật trong nước về phòng, chống tham nhũng.
Việc thực hiện các nghĩa vụ của thành viên trong khuôn khổ của Công ước gắn liền với nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong nước, vì đây chính là mục tiêu cuối cùng của các quốc gia khi tham gia Công ước. Do vậy, cần tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước với các yêu cầu về nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong nước về phòng, chống tham nhũng. Hiện tại, các nhóm công tác đã được thành lập như đề cập ở trên nhằm giúp các thành viên thực thi Công ước, đặc biệt là thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất đưa ra các biện pháp thực thi Công ước có hiệu quả. Việc tham gia các nhóm công tác đó sẽ giúp các thành viên tìm kiếm, thiết lập các cơ chế hợp tác thực chất hơn, bao gồm cả cơ chế hợp tác song phương giữa các thành viên nhằm tháo gỡ khó khăn hoặc rào cản về thực thi pháp luật, như trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hoặc hợp tác điều tra trong các vụ án, vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc xem xét, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thường gặp khó khăn hoặc có phần bị kéo dài là do những vướng mắc này. Vì vậy, Việt Nam có thể khắc phục được tình trạng này thông qua việc thúc đẩy hợp tác thực chất hơn trong khuôn khổ của Công ước.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận với những thông tin, dữ liệu cập nhật của các thành viên (bao gồm cả thông tin về chính sách, pháp luật, kết quả thực thi, khó khăn, vướng mắc và thực tiễn tốt) được chia sẻ trong hoạt động của các nhóm công tác là rất cần thiết đối với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang tổ chức triển khai các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với nhiều quy định, chế định mới, như kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước...
Ba là, cần chú trọng xây dựng năng lực thực thi Công ước cho đội ngũ công chức, chuyên gia của các cơ quan thực thi pháp luật.
Những kết quả đạt được trong việc thực thi Công ước thời gian qua đã bước đầu khẳng định năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc của đội ngũ công chức, chuyên gia của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, đặc biệt là nhóm chuyên gia của Chính phủ tham gia vào cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra như đã nêu trên, phần nào lại có nguyên nhân từ chính năng lực thực thi Công ước của đội ngũ công chức, chuyên gia của các cơ quan thực thi pháp luật, khi chưa tạo được sự kết nối thực chất và chủ động giữa việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước với việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong nước về phòng, chống tham nhũng.
Để khắc phục tình trạng này, đội ngũ công chức, chuyên gia của các cơ quan thực thi pháp luật phải nắm bắt được các yêu cầu, vướng mắc đang đặt ra hoặc khó khăn, thuận lợi trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam để chủ động đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc thực thi pháp luật trong nước thông qua các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ của Công ước. Chẳng hạn, chia sẻ hoặc nêu những khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ việc, vụ án có yếu tố nước ngoài để cùng thảo luận với đại diện các thành viên trong khuôn khổ các cuộc họp của Nhóm công tác về thu hồi tài sản; qua đó, tìm kiếm các giải pháp chung hoặc các giải pháp cụ thể với các thành viên có liên quan (có thể là nơi tẩu tán tài sản trong một vụ việc, vụ án tham nhũng), và trên cơ sở đó, xúc tiến việc trao đổi hoặc đàm phán nhằm thúc đẩy quá trình hỗ trợ cho công tác giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng trong nước. Tương tự như vậy, cần xúc tiến việc trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, phối hợp xác minh... giữa các cơ quan có thẩm quyền nhằm hỗ trợ hoạt động thực thi pháp luật khác trong nước.
Bên cạnh việc xây dựng năng lực thực thi Công ước cho đội ngũ chuyên gia, công chức, cần có sự quan tâm của thủ trưởng các cơ quan thực thi pháp luật trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện và có cơ chế phù hợp để sử dụng có hiệu quả các kết quả hợp tác trong khuôn khổ của Công ước vào nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong nước về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần có phương án tiếp tục kiện toàn cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm phân định rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin và phối hợp hành động, cũng như huy động đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia vào quá trình thực thi Công ước./.
---------------------------
(1) Trong đó, Việt Nam phê chuẩn, đồng thời bảo lưu khoản 2, Điều 66 của Công ước (về phương thức giải quyết tranh chấp trong giải thích và áp dụng Công ước giữa các thành viên) và tuyên bố không bị ràng buộc bởi quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20) và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 26); không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước và không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ
(2) Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”
(3) Các nghĩa vụ đối với thành viên cũng được thể hiện trong Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, ban hành kèm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ
(4) Điều 65 của Công ước quy định: Các thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp lập pháp và hành chính, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia mình, để thi hành các nghĩa vụ theo Công ước. Mỗi thành viên có thể áp dụng các biện pháp chặt chẽ và nghiêm khắc hơn so với các biện pháp được quy định trong Công ước này nhằm phòng, chống tham nhũng
(5) Mặc dù, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa áp dụng đối với nhóm tội phạm về tham nhũng và tội phạm về chức vụ
(6) Việt Nam đã triển khai 2 cuộc đánh giá việc thực thi Công ước trong 2 chu trình đánh giá tương ứng, đối với Chương III về Hình sự hóa và thực thi pháp luật, Chương IV về Hợp tác quốc tế (chu trình đánh giá đầu tiên vào năm 2010 - 2011); đối với Chương II về Các biện pháp phòng ngừa và Chương V về Thu hồi tài sản (chu trình đánh giá thứ hai vào năm 2017 - 2018). Qua đó, đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ tuân thủ của Việt Nam đối với các yêu cầu của Công ước
(7) Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Ban Thư ký Công ước là bộ máy giúp việc cho Hội nghị các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên trong quá trình thực thi Công ước; thực hiện chức năng hợp tác, điều phối với các tổ chức quốc tế và khu vực
(8) Việt Nam đã cử chuyên gia hướng dẫn Cam-pu-chia tổ chức tự đánh giá việc thực thi Công ước trong chu trình đánh giá đầu tiên
(9) Cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước được CoSP thông qua tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra tại Đô-ha, Ca-ta vào tháng 12-2009. Theo đó, quá trình đánh giá việc thực thi Công ước đối với thành viên sẽ được chia thành 2 chu trình; chu trình đánh giá đầu tiên dự kiến diễn ra từ năm 2010 đến năm 2015 và chu trình đánh giá thứ hai diễn ra từ năm 2016 đến năm 2020. Trong tham gia đánh giá, 1 quốc gia trong khu vực và 1 quốc gia ngoài khu vực của quốc gia được đánh giá sẽ được lựa chọn để cử chuyên gia tiến hành đánh giá
(10) Xem: https://www.unodc.org/documents/treaties/UNCAC/CountryVisitFinalReports/
(11) Theo quy định tại khoản 2, Điều 65 của Công ước, đây là những chuẩn mực tối thiểu để căn cứ vào đó, quốc gia thành viên có thể quy định nghiêm khắc hoặc chặt chẽ hơn.