Việt Nam thuộc nhóm hàng đầu thế giới về chỉ số phục hồi COVID-19
Campuchia và Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN về chỉ số phục hồi COVID-19 do Nikkei công bố.
Báo cáo cập nhật của Nikkei (Nhật Bản) đánh giá Việt Nam và Campuchia đã đạt được bước tiến lớn, khi 4 tháng liên tiếp đứng trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số phục hồi COVID-19.
Chỉ số phục hồi COVID-19 được Nikkei công bố định kỳ hàng tháng kể từ tháng 6/2020, trong đó đánh giá, xếp loại 121 quốc gia và khu vực. Bảng xếp hạng được tính theo tổng điểm dựa trên ba tiêu chí về kiểm soát lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine COVID-19 và hoạt động di chuyển trong xã hội.
Xếp hạng càng cao đồng nghĩa quốc gia và vùng lãnh thổ đó có được khả năng phục hồi ưu việt hơn, trong đó tính tới các yếu tố như mức độ lây nhiễm và tử vong thấp, độ bao phủ vaccine cao, hạn chế áp dụng biện pháp giãn cách.
Báo cáo cập nhật tháng 9 đánh giá cao trường hợp của Việt Nam và Campuchia. Từng thành công sau giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, hai nước sau đó trải qua làn sóng lây nhiễm Delta diện rộng và có thời điểm đứng ở thứ hạng thấp về chỉ số phục hồi. Việt Nam và Campuchia sau đó đã triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng, dần dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 và mở cửa với du khách nước ngoài.
Nikkei nhận định Việt Nam và Campuchia là minh chứng cho thấy những nước từng chịu làn sóng lây nhiễm lớn đều có thể xoay chuyển tình hình với quyết tâm về mở rộng tiêm chủng và kế đến là lựa chọn nới lỏng giãn cách. Bước tiến này giúp tạo ra triển vọng kinh tế tươi sáng hơn. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 từ 5,3% lên 7,2%.
Với số điểm 76,5, Campuchia xếp đồng hạng 4 về Chỉ số phục hồi COVID-19. Việt Nam chia sẻ vị trí thứ 8 với Kuwait (75 điểm). Trong số các nước Đông Nam Á còn lại, Malaysia xếp thứ 38 (67 điểm), Thái Lan xếp thứ 70 (61 điểm), Lào xếp thứ 89 (57 diểm), Philippines xếp thứ 101 (53 điểm).
Ba nước cùng chia nhau vị trí thứ nhất gồm Bahrain, Qatar, Rwanda (cùng 77 điểm). Trung Quốc đồng hạng thứ 46 (65,5 điểm), trong khi Mỹ đồng hạng thứ 89 (57 điểm).