Việt Nam-Thụy Sỹ: Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế và học hỏi thực tiễn kinh nghiệm tốt để đẩy mạnh công tác nghiên cứu và đào tạo tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo của đất nước.
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phục vụ đề tài “Xây dựng và phát triển con người Việt Nam-Chủ thể của quá trình phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc-Phó Giám đốc thường trực học viện-làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ từ ngày 19/10.
Trong các buổi làm việc với Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên hợp quốc (UNITAR) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Phó Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Duy Bắc đã giới thiệu về quá trình thành lập và phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chức năng và vai trò quan trọng của học viện trong việc đào tạo và xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý trung và cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong nỗ lực góp phần đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng bền vững và phát triển đất nước thành nước có thu nhập cao vào năm 2030, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế và học hỏi thực tiễn kinh nghiệm tốt từ các nước và các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh công tác nghiên cứu và đào tạo tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo của đất nước có kiến thức, trình độ và kỹ năng tốt về hội nhập quốc tế và hoạch định chính sách nhằm gắn kết Việt Nam và thế giới.
Phó Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Duy Bắc cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế như Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế dành cho Việt Nam trong thời gian qua và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức trong thời gian tới, nhất là trong việc thúc đẩy hợp tác về đào tạo (qua các khóa học trực tiếp và/hoặc trực tuyến), chia sẻ kết quả nghiên cứu và khuyến nghị về thực tiễn quốc tế tốt trong các lĩnh vực phát triển con người, thu hút nhân tài, chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... hướng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cũng trong khuôn khổ chương trình công tác, đoàn đã có các buổi làm việc với trường Đại học Công nghệ Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW) ở thành phố Olten và Học viện Quản lý Phát triển (IMD) tại thành phố Lausanne.
Tại Đại học Công nghệ Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ, đoàn đã được Giáo sư Charlotte Hostettler phụ trách giáo dục giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của nhà trường, chia sẻ một số kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thụy Sĩ.
Còn tại buổi làm việc tại Học viện Quản lý Phát triển, đại diện học viện đã trao đổi về chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo cho các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ.
Theo đó, quốc gia châu Âu này luôn coi trọng chính sách phát triển con người, thúc đẩy việc đào tạo và sử dụng bền vững nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hai bên bày tỏ mong muốn sẽ có các hoạt động trao đổi hợp tác về giáo dục, nghiên cứu trong thời gian tới nhằm cũng cấp kiến thức và kỹ năng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực./.