Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến
Trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 613,5 nghìn tấn nhân điều chế biến, với trị giá 3,6 tỷ USD, tăng 18,7% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành Điều Việt Nam không những giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp, mà còn khẳng định được uy tín của thương hiệu trên thị trường quốc tế...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá trị xuất khẩu điều đã bằng với kết quả của cả năm 2023 và ngành điều Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến trong gần hai thập kỷ qua. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.867 USD/tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.
XUẤT KHẨU TĂNG Ở TẤT CẢ CÁC THỊ TRƯỜNG CHÍNH
Trong 10 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu hạt điều tăng ở cả 15 thị trường chính, trong đó tăng mạnh nhất tại thị trường Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất với mức tăng 58,3% và tăng thấp nhất ở thị trường Nhật Bản với mức tăng 1,1%.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã từng đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD, nhưng đến năm 2022 đã giảm xuống còn 3,08 tỷ USD. Năm 2023, xuất khẩu điều tăng trở lại với 3,6 tỷ USD và đây cũng là kết quả của 10 tháng năm 2024. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu điều năm 2024 sẽ lập kỷ lục, với con số 4,3-4,5 tỷ USD.
"Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 27,7%, 16,4% và 9,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điều 10 tháng của năm 2024".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những năm qua, ngành Điều Việt Nam đã không chỉ giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp, mà còn khẳng định được uy tín của thương hiệu trên thị trường quốc tế. Với vị thế của một cường quốc xuất khẩu điều, Việt Nam còn khẳng định được tiếng nói ngay cả trong các cuộc họp bàn đưa ra mức giá xuất khẩu cho thế giới. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hoàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm.
Ở chiều ngược lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay nhập khẩu hạt điều nguyên liệu trong tháng 10/2024 ước đạt 160 nghìn tấn và 243,5 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu 10 tháng năm 2024 đạt 2,32 triệu tấn và 2,92 tỷ USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá hạt điều nhập khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 1.256 USD/tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Campuchia, Bờ Biển Ngà và Gana là 3 thị trường cung cấp hạt điều chính cho Việt Nam với tổng thị phần là 71,7%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu hạt điều từ Campuchia tăng 26,5% và Gana tăng 16,7%. Ngược lại, giá trị nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà giảm 24,7%.
CẦN ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG NGUYÊN LIỆU ỔN ĐỊNH
Đáng nói là, mặc dù đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu điều hạt trong nhiều năm qua, nhưng Việt Nam lại phải gia tăng nhập khẩu điều thô nguyên liệu trong những năm trở lại đây. Khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia.
Việc Việt Nam chi hàng tỷ USD hàng năm để nhập hạt điều về nước là do hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều hiện nay chưa chủ động được về nguồn nguyên liệu, nguồn cung hạt điều thô trong nước chưa đáp ứng đường nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Tình trạng gia tăng nhập khẩu điều thô, khiến người nông dân trồng điều Việt Nam khó tiêu thụ sản phẩm, đành phải chặt bỏ điều để chuyển sang cây trồng khác.
Tình trạng nhập khẩu điều quá mức, đã khiến ngành điều rơi vào cảnh “hỗn loạn” trong vài năm qua. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhân điều chế biến lập kỷ lục 3,63 tỷ USD, nhưng các doanh nghiệp nước ta đã nhập khẩu tới 2,83 triệu tấn điều thô, tiêu tốn 4,119 tỷ USD. Điều này đã khiến năm 2021 là năm đầu tiên ngành điều rơi vào tình thế thâm hụt thương mại, với nhập siêu khoảng 600 triệu USD.
Dĩ nhiên, khối lượng hạt điều thô nhập khẩu về đó đã không được sử dụng hết cho chế biến, dẫn đến tồn kho tới 1,3 triệu tấn điều nguyên liệu để chuyển sang năm 2022, chất lượng hạt điều tồn kho suy giảm, khiến toàn ngành điều tưởng như bị “vỡ nợ”. Tổng cục Hải quan lúc đó đánh giá đây là tình trạng bất thường của ngành điều. Ngay sau đó, đơn vị này đã vào cuộc phát hiện lớn lượng hạt điều có dấu hiệu gian lận thương mại, đã điều tra, khởi tố 2 vụ án liên quan và đang đồng loạt kiểm tra các lô hàng.
Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chỉ đem về kim ngạch 3,08 tỷ USD, và ngành này vẫn trong tình trạng nhập siêu. Dẫn đến hậu quả, trong nửa đầu năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp không còn chế biến từ điều thô sang điều nhân như trước kia nữa, mà phải tái chế lại hàng tồn kho. Đó là lý do khiến giá thành hạt điều tăng cao, nhưng phải xuất khẩu sản phẩm với giá thấp hơn do chất lượng sản phẩm giảm.
Phải đến giữa năm 2023 trở đi, tình trạng nhập siêu của ngành điều mới chấm dứt, để kết quả cả năm xuất khẩu 3,6 tỷ USD nhân điều, nhập khẩu 3,2 tỷ USD; đã đạt xuất siêu 400 triệu USD.
Trong 10 tháng năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD; nhập khẩu hạt điều nguyên liệu là 2,92 tỷ USD, thì thặng dư thương mại của ngành điều đã đạt gần 0,7 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng ngành điều đã thoát khỏi tình thế “hỗn loạn”, để trở về trạng thái làm chủ thị trường điều toàn cầu.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó đang bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới.
Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước. Do đó, doanh nghiệp điều Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng dần tỷ trọng trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới. Cùng với đó, xây dựng được vùng nguyên liệu, bởi không có nguồn nguyên liệu ổn định, ngành hàng rất khó để phát triển bền vững.