Việt Nam tiếp tục là điểm đến cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp quốc tế

Sự tham gia của Logos và sắp tới là GLP cho thấy, với các tiềm năng có sẵn, chiến lược rõ ràng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp quốc tế.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như VSIP, Mapletree, DEEP C, WHA.... Ảnh: Đức Thanh

Sự tham gia của các nhà đầu tư lớn

Đại diện truyền thông của Logos, thành viên của Công ty Quản lý quỹ ARA, có trụ sở tại Sydney (Australia) đã chính thức xác nhận, đang huy động số vốn 1,2 tỷ USD để đầu tư vào Việt Nam và Hàn Quốc. Trong số này, khoảng 400 triệu USD sẽ được dành để đầu tư vào ngành nghề cốt lõi của Logos tại Việt Nam là logistic thương mại điện tử, thực phẩm và kho lạnh.

Logos được thành lập năm 2010 tại Australia, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hậu cần. Trong các cổ đông của Logos có ARA Asset Management, một nhà quản lý quỹ tài sản bất động sản hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, với tổng tài sản được quản lý trên toàn cầu là 88 tỷ đô la Singapore. Theo dữ liệu trên website, tính đến tháng 6 năm nay, Logos đã quản lý và sử dụng hơn 6 triệu m2 bất động sản, với tổng trị giá hơn 7,16 tỷ USD thông qua 20 dự án liên doanh trên toàn cầu.

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng. Công suất thuê đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Trước đó, từ đầu năm nay, có thông tin GLP, một trong những tập đoàn toàn cầu có trụ sở tại Singapore, hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính và công nghệ, cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tin về đầu tư của tập đoàn này tại thị trường Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ.

Sự tham gia của Logos và sắp tới là GLP vào thị trường Việt nam cho thấy, với các tiềm năng có sẵn và chiến lược rõ ràng trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang thực sự là điểm đến cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp quốc tế.

Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam (gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác) vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Thị trường này hiện có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn trên thế giới như VSIP, Mapletree, DEEP C, WHA, Ascendas, cũng như các công ty trong nước như KTG, Kinh Bắc, Becamex...

Về phân khúc nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng theo yêu cầu, thị trường Việt Nam đang có các nhà đầu tư BW Industrial - liên doanh giữa Warburg Pincus và Becamex IDC với tổng vốn đầu tư lên đến 215 triệu USD; Boustead Projects Limited với dự án nhà xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch và các nhà đầu tư trong nước.

Trung tâm sản xuất cạnh tranh thứ hai trên thế giới

Ông Paul Tonkes, Giám đốc Khối Dịch vụ công nghiệp và kho vận, Công ty Cushman & Wakefield Vietnam cho rằng, Việt Nam là trung tâm sản xuất cạnh tranh thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, trong Bảng xếp hạng hàng năm về các địa điểm thích hợp nhất cho sản xuất toàn cầu về điều kiện hoạt động và tính cạnh tranh về chi phí của công ty này. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng đề cập 48 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương này.

Theo dữ liệu từ Tập đoàn Real Capital Analytics, đến quý II/2020, giao dịch bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm đáng kể, nhưng các giao dịch trong thị trường bất động sản công nghiệp và ngành giao nhận - kho vận chỉ giảm ít. Điều này cho thấy, đây là nhóm có khả năng phục hồi cao trong và sau đại dịch Covid-19.

Ông Simon Smith, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bất động sản công nghiệp đang thu hút đầu tư từ nhiều nhà đầu tư quốc tế. Ngành này có liên quan chặt tới các xu hướng lớn mạnh như sự phát triển của thương mại điện tử và hầu như mọi thị trường trong khu vực đều thiếu không gian kho vận hiện đại phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao này.

Số liệu của Focus Economics cho thấy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 6/2020 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất hàng hóa và sản xuất điện. Sản lượng sản xuất và công nghiệp ước tính tăng 2,71% trong năm 2020, dự kiến tăng 9,2% vào năm 2021, cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn nhưng đầy hứa hẹn của lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) cũng tăng vọt lên 51,1 điểm vào tháng 6/2020 so với 42,7 điểm vào tháng 5, đánh dấu mức tăng trưởng đầu tiên trên ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 1, sau thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế và ngăn chặn đại dịch. Sự phục hồi này được cho là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của các đơn đặt hàng mới, cùng với hoạt động mua hàng tích cực và số lượng các mặt hàng tồn kho tiền sản xuất tăng cao nhất kể từ tháng 11/2018.

Bích Ngọc

Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng từ 10 - 40%

Bất động sản công nghiệp Sông Công “săn chim sẻ”

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp: Nhiều gam màu xám

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/viet-nam-tiep-tuc-la-diem-den-cho-nha-dau-tu-bat-dong-san-cong-nghiep-quoc-te-248252.html