Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài
Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, trong 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH SUNJIN AT&C VINA, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thành phố Huế. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Chiều 23/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 với chủ đề: "Việt Nam, Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới".
Diễn đàn tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính: Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam... nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp của khu vực kinh tế FDI, thúc đẩy các địa phương của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Trần Thị Hồng Minh cho biết, trong 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD vốn FDI. Hết quý I/2025, nguồn vốn FDI vào Việt Nam là gần 11 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức.
Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về FDI luôn nhất quán và xuyên suốt. Điều này được thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị.
Quan điểm về thu hút FDI đã nhấn mạnh các tiêu chí như chất lượng, hiệu quả, công nghệ, môi trường thay cho việc chỉ quan tâm tới số lượng, vốn đăng ký; đặt trọng tâm vào liên kết FDI với các doanh nghiệp trong nước; yêu cầu có chính sách khuyến khích cụ thể để thúc đẩy chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ, phát triển các cụm ngành công nghiệp...
Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định, sau gần bốn thập niên đổi mới, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính mạnh mẽ đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, thu hút hàng nghìn dự án đầu tư, trong đó có những dự án chất lượng cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc thu hút và sử dụng hiệu quả FDI vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lượng các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao còn hạn chế; thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế... vẫn đang là trở ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI...
Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh, là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, môi trường kinh doanh được cải thiện, chính trị ổn định và chính sách ưu đãi cạnh tranh, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng với các doanh nghiệp FDI.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề chính: Cục diện thế giới mới, những thay đổi về chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Chủ trương, định hướng và chính sách của Việt Nam về chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: Vai trò của khu vực FDI trong mối tương quan và liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các khu vực kinh tế trong nước; gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như giải pháp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng FDI...
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Rồng Vàng 2025, vinh danh các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả, tiên phong đổi mới sáng tạo, dẫn dắt các xu hướng mới, đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Việt Nam.