Việt Nam tốn 108.000 tỷ đồng mỗi năm điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo ước tính của Hội Kinh tế Việt Nam, năm 2022 tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25/5 đến 31/5) do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/5.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nên công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, những thành tựu này nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh sáng 26/5. (Ảnh: Trần Minh)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh sáng 26/5. (Ảnh: Trần Minh)

Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” với mong muốn Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, những sản phẩm liên quan đến các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe. Các sản phẩm này khiến những người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của những người trẻ tuổi.

“Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng mạnh trong giới trẻ Việt Nam. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn điều này, trước khi quá muộn”, bà Angela Pratt nói.

Theo bà Angela Pratt, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam cùng các cam kết quốc tế đối với các mục tiêu Phát triển bền vững. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ để lại một di sản lâu dài, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp đất nước hiện nay và cho các thế hệ mai sau - bằng cách giúp mọi trẻ em ở Việt Nam có cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Ngay sau lễ mít tinh là hoạt động đạp xe diễu hành qua các tuyến phố của các đại biểu và đông đảo sinh viên của một số trường đại học, hưởng ứng chiến dịch: “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”.

NHƯ LOAN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viet-nam-ton-108-000-ty-dong-moi-nam-dieu-tri-cac-benh-lien-quan-den-thuoc-la-ar873430.html