Việt Nam trở thành công xưởng hấp dẫn thứ 2 toàn cầu

Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới trên phương diện điều kiện vận hành và cạnh tranh chi phí, theo Cushman & Wakefield.

Trong bảng xếp hạng thường niên về các thị trường sản xuất thích hợp trên toàn cầu dựa trên việc so sánh 48 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield công bố sáng 9/7, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 là Việt Nam.

Trong đó, chỉ số rủi ro toàn cầu (MRI) hàng năm đánh giá sự hấp dẫn của thị trường dựa trên 20 biến số, chia thành 3 tiêu chí xếp hạng cuối cùng bao gồm các điều kiện, chi phí và rủi ro. Dữ liệu cơ sở để đưa ra MRI đến từ các nguồn tin cậy như Ngân hàng Thế giới, UNCTAD và Oxford Economics.

Về chi phí, trong năm 2020, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 sau khi đứng ở thứ 4 trong năm ngoái.

Ông Paul Tonkes, Giám đốc Dịch vụ logistics và công nghiệp của Cushman & Wakefiel tại Việt Nam nhận định với 97 triệu dân số trẻ am hiểu công nghệ, so với các thị trường khác, Việt Nam vẫn là một trong những đối thủ cạnh tranh nhất về chi phí lao động, giá thuê đất và chi phí xây dựng.

Thêm vào đó là tình hình địa chính trị ổn định và mức độ hội nhập thị trường quốc tế cao. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA mới được Quốc hội phê chuẩn sẽ giúp các nhà đầu tư rút ngắn thủ tục đầu tư và sớm bắt tay vào sản xuất. Việt Nam cũng đang cố gắng để nâng vị trí của mình trên chuỗi giá trị, dịch chuyển cơ cấu sang các ngành có công nghệ tiên tiến hơn.

 Một khu công nghiệp tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một khu công nghiệp tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh.

Xét về điều kiện sản xuất, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 khu vực hàng đầu với sự đa dạng hóa kết hợp đẩy mạnh chuỗi giá trị nhằm tập trung vào các ngành viễn thông, công nghệ cao, máy tính...

Khía cạnh rủi ro của MRI tính toán dựa trên mức độ ít rủi ro kinh tế và chính trị của mỗi quốc gia, đồng thời xem xét cả rủi ro về địa chính trị gia tăng trong tương lai.

Với tiêu chí này, Canada và Mỹ lần lượt xếp ở vị trí thứ nhất và thứ hai nhờ tài nguyên thiên nhiên sẵn có, nguồn lao động dồi dào, ưu đãi, thị trường tiêu dùng, cơ sở hạ tầng lớn và tính minh bạch cao. Mặc dù đang trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn đứng thứ 5 về thứ hạng ít rủi ro.

Ông Tonkes nhận định ngay cả khi dịch Covid-19 chưa kết thúc trên toàn cầu thì Việt Nam vẫn có những lợi ích nhất định.

"Đại dịch Covid-19 đã cho thấy Việt Nam cần tăng cường phát triển các nhà máy, kho hàng để sẵn sàng đón các nhà sản xuất đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất lớn đã ký hợp đồng thuê đất từ trước khi diễn ra dịch bệnh và dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ngay khi Việt Nam mở cửa biên giới trở lại", ông Tonkes nói thêm.

Theo báo cáo của JLL, tính đến hết quý II/2020, giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp tại khu vực phía Nam vẫn tăng nhanh bất chấp dịch bệnh do quỹ đất dần trở nên khan hiếm, ghi nhận ở mức 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% theo năm. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn vấn ổn định ở mức 3,5 - 5 USD/m2/chu kỳ thuê.

Tổng diện tích đất cho thuê của miền Nam hiện đạt mức 25.045 ha. Một vài quỹ đất cho thuê còn lại ở một số KCN hiện hữu tại TP.HCM vẫn bị đình trệ do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và gần đây là tác động của Covid-19, khiến nguồn cung này không thể ra mắt. Việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các KCN hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng và quỹ đất mới đang bị trì hoãn.

Hà Bùi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-tro-thanh-cong-xuong-hap-dan-thu-2-toan-cau-post1104815.html