Việt Nam trong mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO
Trong năm 2023, Việt Nam có 2 thành phố được ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, gồm: thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được ghi danh là 'Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc' và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 'Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian'.
Như vậy, cùng với thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế” vào năm 2019, việc Đà Lạt và Hội An vinh dự nằm trong mạng lưới này là cơ hội để các địa phương có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các chiến lược cũng như kế hoạch hành động phát triển đô thị, đem lại sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời là cơ hội để quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới - hình ảnh một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc. Đây cũng là động lực để trong năm mới 2024, TP.Hồ Chí Minh – một trong những địa phương tiếp theo có tiềm năng, phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa để tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có cùng lúc 2 thành phố được ghi danh thành phố sáng tạo trong năm 2023. Đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, người dân Đà Lạt, Hội An, mà còn là niềm vui chung của cả đất nước, vì tên Việt Nam được xướng lên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu sau 4 năm.
Đối với Đà Lạt, trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực âm nhạc trong năm 2023 là một sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi đây là dịp “thành phố ngàn hoa” kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2023).
Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự kiện này mở ra cho Hội An những cơ hội mới trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa, du lịch. Hội An được xem là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng bởi có vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa. Năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, sau 25 năm, chính quyền và người dân phố Hội vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản để xây dựng thương hiệu của thành phố văn hóa du lịch và sinh thái.