Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 17-11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021 - 2025. Với số phiếu rất cao, 163/178, tương đương với 92%, đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Theo ông Mai Phan Dũng - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử trong những năm vừa qua.
Ông Dũng cho rằng việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.
Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978 - 1983, 2001 - 2005, 2009 - 2013 và nhiệm kỳ 2015 - 2019. Ông Dũng cho biết thêm trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 này, Việt Nam sẽ đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông, đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung...
Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.