Việt Nam tự chủ được kỹ thuật ghép gan, nhiều trẻ được cứu sống
Trước năm 2021, bệnh nhi mắc bệnh lý gan cấp tính và mạn tính hầu như không có cơ hội được phục hồi, nhiều trẻ trong lúc chờ được ghép gan đã tử vong vì Việt Nam chưa hoàn toàn tự chủ kỹ thuật ghép.
Đoàn Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển trẻ em Nhật Bản vừa đến Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ghép gan trẻ em với Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM).
Trước đó, vào tháng 10-2021, ê kíp ghép gan của Bệnh viện Đại học Y Dược đã tham gia chương trình đào tạo trực tuyến về ghép gan trẻ em từ các giáo sư của Nhật Bản.
Đến tháng 12-2021, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em đầu tiên. Ca ghép được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam, mở ra nhiều hy vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan.
Tiếp nối thành công ban đầu, bệnh viện tiếp tục hợp tác với các chuyên gia để thực hiện thường quy phẫu thuật ghép gan. Đến nay, đã có 12 trẻ em được ghép gan cứu sống. Đa số các bé phục hồi tốt, tiếp tục theo dõi định kỳ.
"Nhìn thấy các cháu được ghép gan sống khỏe mạnh tôi rất hạnh phúc. Đó chính là giá trị lớn nhất từ sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai bên. Tin rằng sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn này sẽ đưa lĩnh vực ghép gan tại Việt Nam ngày càng phát triển trong tương lai"-giáo sư Mureo Kasahara (Nhật Bản) chia sẻ.
Trước năm 2021, bệnh nhi mắc bệnh lý gan cấp tính và mạn tính hầu như không có cơ hội được phục hồi, nhiều trẻ trong lúc chờ được ghép gan tử vong vì Việt Nam chưa hoàn toàn tự chủ kỹ thuật này. Đến nay, các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt biệt tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM) đã có thể tự chủ kỹ thuật ghép, các bệnh nhi có cơ hội được cứu sống mà không phải rơi vào bế tắc và tuyệt vọng như trước.