'Việt Nam tự tin giải bài toán khó cho người Nhật'
Thời điểm những năm 2000, Việt Nam chưa có thương hiệu công nghệ tại Nhật Bản. Sau gần hai thập kỷ, Việt Nam đã vươn mình trở thành đối tác CNTT lớn thứ hai của Nhật Bản, với hơn 500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho nước này, trong đó hơn 10 doanh nghiệp quy mô từ 1.000 lao động, hàng chục doanh nghiệp quy mô 500-1000 người…
Ngày 16/5, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đã phát biểu khai mạc sự kiện Vietnam IT Day 2023 lần thứ 10, diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Sự kiện có sự tham dự của các cơ quan, hiệp hội CNTT Nhật Bản như JISA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản; Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Sự kiện có sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, 20 doanh nghiệp Việt Nam và gần 150 doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, năm 2022, một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu đạt doanh thu ký từ thị trường nước ngoài là một tỷ USD. Chính doanh nghiệp đó, hơn hai mươi năm trước đã phải đóng cửa văn phòng, rời khỏi Mỹ, Ấn Độ.
Với hành trang ‘ít ỏi’ chỉ có sự nhiệt huyết, quyết tâm và vốn tiếng Nhật sơ cấp, doanh nghiệp này đã đến Nhật Bản và ký được những hợp đồng đầu tiên. Doanh nghiệp Nhật Bản đã mở ra con đường, nâng đỡ cho công ty này và cho cả cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt.
"Từ đó, thị trường Nhật Bản đã được khơi thông với doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt. Những năm tiếp sau, là quả ngọt, là sự phát triển đột phá trong quan hệ hợp tác", Chủ tịch Vinasa cho biết.
Thời điểm những năm 2000, Việt Nam chưa có thương hiệu công nghệ tại Nhật Bản. Mỗi đoàn doanh nghiệp Việt đến Nhật Bản chỉ có 1-2 người để tiết kiệm công tác phí. Sau gần hai thập kỷ, Việt Nam đã vươn mình trở thành đối tác CNTT lớn thứ hai của Nhật Bản, với hơn 500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho nước này, trong đó hơn 10 doanh nghiệp quy mô từ 1.000 lao động, hàng chục doanh nghiệp quy mô 500-1000 người, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 100-500 nhân sự. Các doanh nghiệp tăng trưởng 20-30%.
Đặc biệt, nếu như trước đây, người Việt chỉ đảm nhận các công đoạn lập trình, viết code, testing thì ngày nay, người Việt đã cung cấp dịch vụ end-to-end, từ nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, đến hỗ trợ khách hàng vận hành tại Nhật Bản… Có doanh nghiệp Việt hiện sở hữu 300 chuyên gia tư vấn, có doanh nghiệp xây dựng được mô hình best shore độc đáo: kết hợp kỹ sư ở Việt Nam (offshore) và kỹ sư trực tiếp ở Nhật Bản (nearshore), nhằm cung cấp dịch vụ nhanh nhất, không gián đoạn về thời gian, không giới hạn không gian mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật.
Song song sự gia tăng về hoạt động tại Nhật Bản, ngành CNTT – truyền thông tại Việt Nam cũng phát triển. Năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Chỉ tính riêng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT, từ doanh thu 50 triệu USD năm 2000 nay đã tăng lên hơn 15 tỷ USD năm 2022 với gần 400.000 lập trình viên.
"Chúng ta đã có quá khứ tự hào, tôi tin tưởng tương lai cũng sẽ mở ra với Việt Nam và Nhật Bản nhiều hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Chúng ta sẽ kiến tạo hạnh phúc cho mọi người dân, doanh nghiệp, với trí tuệ dữ liệu, họ sẽ có ngay điều mình đang muốn chỉ bằng một cú chạm. Chúng ta hãy cùng nắm bắt cơ hội lớn chưa từng có trước mắt", ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh.
Chủ tịch Vinasa cũng chỉ ra 3 cơ hội để các doanh nghiệp Việt vươn tầm về vị thế, đây cũng chính là 3 điểm nóng của chuyển đổi số trên toàn cầu, đó là bảo trì hệ thống SAP/S4Hana hay Dynamics 365 Microsoft trên toàn cầu; chuyển đổi ngôn ngữ Cobol lên ngôn ngữ hiện đại và phần mềm kỹ thuật ô tô điện.
Một cơ hội khác là hợp tác chuyển đổi số, giải quyết những bài toán lớn của đồng thời Nhật Bản và Việt Nam theo hình thái xã hội 5.0 (Society 5.0). Những năm gần đây, thế giới đã và đang triển khai chuyển đổi số cấp độ 1 - tự động hóa tác nghiệp nhằm giải phóng người lao động khỏi các công việc nhàm chán, tăng năng suất, đồng thời tối ưu lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt có phương pháp, có nguồn lực để chuyển đổi số ở cấp độ cao hơn - tự động hóa các điểm chạm giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, giữa người dân với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Cuối cùng, đại diện Vinasa đề xuất các doanh nghiệp Nhật Bản hãy mạnh dạn giao cho doanh nghiệp Việt những bài toán khó nhất, thách thức nhất, để nhận được những lời giải sáng tạo nhất.
"Với nền tảng 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, tôi tin rằng, tiềm lực hợp tác giữa hai quốc gia là không có giới hạn, mở ra kỷ nguyên hợp tác mới, cho sự phát triển nhanh và trường tồn. Cùng nhau, chúng ta sẽ toàn cầu hóa", Chủ tịch Vinasa nhấn mạnh.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, Vietnam IT Day nằm trong chuỗi hoạt động thường niên được tổ chức bởi sự phối hợp giữa Vinasa và các hiệp hội, tổ chức CNTT Nhật Bản.