Việt Nam – UAE: Tăng cường kết nối giữa các ngân hàng thương mại hai nước
Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương UAE sẽ làm tiền đề giúp hai ngân hàng trung ương xây dựng và duy trì kênh trao đổi thông tin chính thức để tăng cường kết nối giữa các ngân hàng thương mại hai nước cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), ngày 28/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chứng kiến Lễ tuyên bố về viêc ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác chung trong lĩnh vực ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương UAE.
Bản ghi nhớ sẽ làm tiền đề giúp hai ngân hàng trung ương xây dựng và duy trì kênh trao đổi thông tin chính thức để tăng cường kết nối giữa các ngân hàng thương mại hai nước, từ đó thúc đẩy thương mại - đầu tư - du lịch giữa Việt Nam và UAE, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
UAE là đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, vì vậy, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Theo số liệu chính thức, năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và UAE đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam đạt thặng dư xuất khẩu hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%. UAE đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Trung Đông.
Về thanh toán qua ngân hàng, thực hiện vai trò hỗ trợ thanh toán cho giao dịch thương mại hai chiều, UAE là quốc gia mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có hợp tác thanh toán quốc tế sôi động nhất trong số các nước tại khu vực Trung Đông, với tổng doanh số thanh toán, chuyển tiền tính đến hết ngày 31/6/2024 là 1,7 tỷ USD thông qua 176 quan hệ đại lý với các ngân hàng tại UAE, chiếm hơn 50% tổng doanh số với thị trường Trung Đông. Quốc gia này không chỉ có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn hàng hóa với Việt Nam mà còn là trung tâm tài chính, thanh toán với thị trường thứ ba (như các quốc gia ở châu Phi)./.