Việt Nam và Đông Nam Á đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch

Các số liệu cho thấy các nền kinh tế Đông Nam Á về tổng thể vẫn đang tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và việc nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát dịch.

Nền kinh tế Việt Nam trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Nền kinh tế Việt Nam trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra lại là lúc các nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng sản xuất của toàn cầu. Tuy nhiên, sức ép lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến hoạt thương mại và làm “trật bánh con tàu tăng trưởng” của các nền kinh tế Đông Nam Á dù về tổng thể vẫn vững chắc.

Nền kinh tế Việt Nam trong quá trình phục hồi sau đại dịch cũng có những thuận lợi và khó khăn chung, bên cạnh những lợi thế và trở ngại riêng.

*Từ lợi thế trong chuỗi cung ứng sản xuất của toàn cầu

Kể từ khi bùng phát vào tháng 3/2020, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến các nền kinh tế mới nổi của Đông Nam Á, khi khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động.

Việc Trung Quốc sau đó tiếp tục phong tỏa một số cảng biển then chốt của nước này như Thượng Hải và Thiên Tân khi thực hiện chính sách "Không COVID" đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dai dẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đã mở cửa trở lại biên giới. Tuy nhiên, điều này lại mở ra "cơ hội" cho các nước Đông Nam.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu những chất bán dẫn quan trọng trên toàn cầu có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 và có thể còn dài hơn nữa do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để tránh sự chậm trễ gây tốn kém trong sản xuất và logistics, ngày càng nhiều công ty chất bán dẫn của Mỹ đã chuyển dịch cơ sở sản xuất và chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á.

Năm 2021, hãng sản xuất chip GlobalFoundries cho biết sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore để đáp ứng nhu cầu gia tăng về chip trên toàn cầu. Trong khi đó, Intel cho biết họ sẽ đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip ở Penang, Malaysia.

Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất cho Apple, đang xây dựng một nhà máy trị giá 270 triệu USD để sản xuất, gia công máy tính xách tay và máy tính bảng gần Hà Nội, Việt Nam.

Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng.

Năm 2021, mặc dù, đang trong “vòng xoáy” của dịch COVID-19, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng thuộc S&P Global Market Intelligence, đánh giá Đông Nam Á là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là đối với ngành điện tử.

Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm trễ nghiêm trọng về thời gian giao hàng đối với các linh kiện then chốt trong ngành điện tử toàn cầu trong suốt thời kỳ dịch bùng phát, các công ty điện tử ngày càng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Ông Mick Aw, cố vấn cấp cao của công ty dịch vụ chuyên nghiệp Moore Stephens, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp chuyển hướng khỏi Trung Quốc sau đại dịch.

Theo ông Aw, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và những hạn chế trong chuỗi cung ứng do các đợt phong tỏa nhằm kiểm soát dịch tại Trung Quốc khuyến khích một số doanh nghiệp đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.

Những diễn biến này tăng cường vai trò của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại dòng vốn dồi dào và triển vọng việc làm mới sau hai năm gián đoạn do dịch. Trong giai đoạn ngắn đầu năm nay, các dự báo tăng trưởng cho khu vực có vẻ đầy hứa hẹn.

Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore, ngày 18/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore, ngày 18/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

*Đến trở ngại từ việc lạm phát tăng vọt

Xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu và cản trở sự phục hồi của kinh tế khu vực. Nhiều quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, như Thái Lan, Việt Nam và Singapore, đã cảm nhận được tác động đối với các dịch vụ cơ bản như vận tải, điện và nhiên liệu. Các trạm xăng ở Myanmar đã xuất hiện tình trạng hết nhiên liệu.

Lạm phát đã tăng mạnh ở Đông Nam Á vốn là khu vực nhập khẩu nhiều dầu và hạt hướng dương cũng như lúa mỳ. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, giá cả ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3,8% từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Các ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát. Tại Singapore, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương, ngày 14/7 đã nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.

Đây là lần thứ tư MAS tăng lãi suất kể từ tháng 10/2021 và là lần thứ hai kể từ tháng 1/2022. Ngân hàng này đang từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát gia tăng và phục hồi kinh tế ổn định.

Các ngân hàng trung ương Malaysia và Philippines cũng đã tăng lãi suất, khiến các khoản thế chấp và lãi suất đi vay tăng đối với những người sở hữu nhà hay các doanh nghiệp. Nguy cơ của điều này là sự suy giảm trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế khu vực, khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu của họ.

Ngân hàng trung ương Philippines thông báo tăng lãi suất bất ngờ trong ngày 14/7, lần tăng thứ ba liên tiếp và cảnh báo có thể còn có những đợt tăng lãi suất tiếp theo nhằm kiềm chế đà tăng của giá năng lượng và lương thực.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lạm phát cơ bản tại Singapore có thể tăng trên 4%, cao hơn mức dự báo trước đó là từ 2,5-3,5% cho năm nay. MAS đã nâng mức dự báo lạm phát tổng thể năm 2022 của nước này lên 5-6%, từ mức 4,5-5,5% trước đó.

Trong khi đó, Cục Thống kê Malaysia cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng 3,4% vào tháng 6/2022, phần lớn do các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá. Bộ trưởng Tài chính Malaysia, Zafrul Aziz cho biết tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á này có thể lên tới 11% nếu chính phủ không trợ cấp cho một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu.

Theo ông, trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á này khoảng 2,5% và phần lớn là nhờ các gói trợ cấp được chính phủ đưa ra.

Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê vừa công bố trong 7 tháng qua lạm phát của nền kinh tế tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu thế giới vẫn là yếu tố đầu tiên tác động tới giá cả hàng hóa, dịch vụ và tiếp tục tác động trong thời gian tới vì giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.

Trong việc đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng thuận lợi của Việt Nam là phần lớn các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế đều chủ động được nguồn cung, nhưng khó khăn là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung của thế giới và phụ thuộc vào một số ít thị trường nên khi các thị trường này có những biến động bất thường sẽ tác động rất mạnh tới đảm bảo cung cầu của nền kinh tế.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

*Tăng trưởng tổng thể vẫn vững chắc

Mặc dù vậy, các số liệu cho thấy các nền kinh tế Đông Nam Á về tổng thể vẫn đang tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và việc nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát dịch.

Số liệu tháng Sáu của công ty phân tích thị trường S&P Global cho thấy sự tăng trưởng tổng thể vững chắc trong lĩnh vực sản xuất của khu vực. Theo ông Biswas, Đông Nam Á được dự báo là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và Đông Nam Á sẽ vẫn là điểm đến then chốt cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Đông Bắc Á.

Chính phủ Indonesia cho biết sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước trên 5% cho đến quý III/2022 trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, tăng trưởng kinh tế quý II dự kiến sẽ trên 5%.

Do đó, nếu nền kinh tế trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng này trong quý III, Indonesia có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5-5,2% vào cuối năm.

Theo ông Hartarto, nền kinh tế Indonesia đang ở trong tình trạng tốt, với lạm phát ở mức 4,2%, tăng trưởng kinh tế 5,01% và tỷ lệ nợ trên GDP là 42%.

Với Singapore, nền kinh tế đã duy trì được đà tăng trưởng khá tốt. Theo thông báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), trong quý II/2022, kinh tế Singapore đạt mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất, trong lúc nhu cầu nội địa và toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ yếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

MTI đã điều chỉnh nâng mức tăng trưởng trong quý I/2022 lên 4% so với cùng kỳ năm trước, từ mức ước tính trước đó là 3,7%, nhờ lĩnh vực xây dựng và dịch vụ tốt hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Zafrul cho biết Chính phủ Malaysia vẫn lạc quan về đà tăng trưởng GDP trong năm 2022 xuất phát từ hiệu ứng cơ bản thấp và nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tại Thái Lan, Giám đốc cao cấp của Ngân hàng Trung ương (BoT) Chayawadee Chai-Anant cho rằng kinh tế nước này sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ tiêu dùng tư nhân và khách du lịch nước ngoài gia tăng.

Bà Chayawadee nói thêm rằng BoT đang duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2022 ở mức 3,3% khi sự phục hồi kinh tế đang tăng tốc, với một số chỉ số được cải thiện trong cả tháng Sáu và quý II. Tuy nhiên, BoT cũng sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế toàn cầu và địa phương trong bối cảnh có một số bất ổn.

Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách Tài khóa thuộc Bộ Tài chính Thái Lan, Pornchai Thiraveja cho rằng tình hình tài khóa của đất nước vẫn đủ lành mạnh để xử lý các vấn đề kinh tế, bao gồm cả lạm phát. Ông hy vọng tỷ lệ lạm phát cao sẽ giảm vào cuối năm nay.

Theo ông Pornchai, tỷ lệ lạm phát của Thái Lan vẫn thấp hơn một số nước. Lạm phát toàn phần trung bình trong nửa đầu năm nay là 5,6%, trong khi lạm phát cơ bản là 1,9%, thấp hơn so với các nước Khu vực sử dụng đồng euro và Mỹ.

Với kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Theo đó, kịch bản cao, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9%, khá cao so với kịch bản cơ bản là 6,7%. Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng năm 2022 gần sát với mức 7% mà Chính phủ đang đặt ra cho kinh tế năm nay.

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho biết, CIEM đã kiến nghị phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển./.

Lê Minh - Thúy Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-va-dong-nam-a-day-nhanh-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich/253984.html