Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Người dân còn lại gì sau xung đột vũ trang?

Ngày 27/4, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam sẽ tổ chức Phiên họp cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề 'Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang'.

Xung đột vũ trang gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân Syria. (Nguồn: AFP)

Xung đột vũ trang gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân Syria. (Nguồn: AFP)

Các cuộc xung đột vũ trang kéo dài không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tính mạng của người dân mà còn kéo theo hàng loạt hậu quả nặng nề khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân như cơ sở sản xuất lương thực, điện, nước, trường học, bệnh viện, cơ sở vệ sinh, xử lý chất thải… bị phá hủy hoặc không thể vận hành.

Sức tàn phá cơ sở hạ tầng có thể thấy rõ trong các cuộc xung đột điển hình ở Syria, Yemen, Iraq, Afghanistan, Somalia, Angola, Burundi, CHDC Congo, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Rwanda, Sierra Leone, Somalia và Sudan.

Theo thống kê trong Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký LHQ về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2019 và 2020, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong bối cảnh xung đột, không chỉ là đối tượng bị tấn công phá hoại có chủ đích, các cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thường xuyên phải chịu thiệt hại gây ra bởi các cuộc tấn công trên diện rộng vào các khu vực đông dân cư, hoặc được sử dụng như một công cụ để kiểm soát địa bàn bởi các bên liên quan trong xung đột, đặc biệt là các nhóm vũ trang phi nhà nước.

Đặc biệt, do các cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự liên kết với nhau nên việc một hoặc một số cơ sở bị tấn công có thể tạo nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành của toàn bộ hệ thống.

Trong bối cảnh xung đột, các hoạt động vận hành, sửa chữa, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các cơ sở hạ tầng này bị hư hại nghiêm trọng hoặc mất khả năng sử dụng sau xung đột, tạo các khó khăn cho quá trình tái thiết hậu xung đột.

Tác động nặng nề của xung đột vũ trang

Thứ nhất, cản trở khả năng tiếp cận, sử dụng nhu yếu phẩm và các dịch vụ thiết yếu của người dân.

Thứ hai, để lại nhiều tác động nhân đạo lâu dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các nỗ lực khắc phục hậu quả xung đột, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội; có khả năng gây bùng phát bất ổn, xung đột mới .

Theo ước tính của LHQ vào tháng 8/2017, xung đột ở Syria đã khiến 540.000 người dân nước này không được tiếp cận nước uống, lương thực và các dịch vụ cơ bản khác như dịch vụ y tế.

Thứ ba, làm trầm trọng tình trạng người dân bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú, ảnh hưởng tới khả năng ứng phó, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo như mất an ninh lương thực, bùng phát dịch bệnh, thiên tai…

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đảm bảo hoạt động của các cơ sở hạ tầng cung cấp và phân phối nước sạch, xử lý rác thải, vệ sinh dịch tễ, bệnh viện có ý nghĩa quan trọng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng rãi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp, viện trợ vaccine ở các khu vực xung đột.

Phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của tình trạng này.

Thứ tư, để lại những hệ quả lâu dài đối với môi trường tự nhiên, cũng như đối với quá trình tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình.

Ở nhiều khu vực xung đột như Nam Sudan, Burundi, Somalia, việc thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng là một nguyên nhân cản trở quá trình hồi hương, tái định cư của các cộng đồng dân cư bị mất nơi cư trú.

Trong khi đó, việc khôi phục, tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản thường mất rất nhiều thời gian và tốn kém, do đó có thể làm chậm quá trình xây dựng hòa bình.

Chưa nhận được sự quan tâm đúng mức

Luật nhân đạo quốc tế (IHL) có quy định cụ thể về việc cấm tấn công, dỡ bỏ hoặc làm hư hại cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân, đồng thời đã đặt ra một số quy định cụ thể về bảo vệ đặc biệt đối với các cơ sở y tế, nhân đạo, trường học…; yêu cầu các bên trong xung đột tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về phân biệt giữa cơ sở dân sự và đối tượng quân sự, tránh gây thiệt hại và hạn chế tác động đối với người dân khi tham chiến.

Tuy nhiên, việc thực thi, triển khai các quy định trên theo IHL trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao, hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân.

Trước những hệ quả nhân đạo nghiêm trọng của việc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong các khuôn khổ, chính sách pháp lý quốc tế về xung đột vũ trang hiện nay, nhu cầu cần có một cách nhìn nhận và tiếp cận tổng thể, hệ thống đối với bảo vệ cơ sở thiết yếu đã trở thành một vấn đề bức thiết.

Tại HĐBA LHQ, vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đã nhiều lần được đề cập tại một số văn kiện về các vấn đề chủ đề và vấn đề khu vực cụ thể (Syria, Nam Sudan, Somalia, Yemen, Nigeria…), cũng như trong các khuôn khổ không chính thức liên quan. Song đến nay, HĐBA chưa có một văn kiện tổng thể về vấn đề này.

Từ thấu hiểu đến hành động

Việt Nam là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh và trong hai cuộc kháng chiến, nhiều cơ sở hạ tầng điện, nước, bệnh viện, trường học, cũng như nhà cửa, đất canh tác của ta đã trở thành mục tiêu phá hủy, trong các cuộc tấn công diện rộng.

Việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, để lại hậu quả lâu dài, là trở ngại lớn trong quá trình tái thiết, khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình bền vững và phát triển đất nước.

Do vậy, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong việc thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nhiều lần đóng góp các nội dung liên quan trong quá trình thảo luận và thương lượng các văn kiện của HĐBA, đặc biệt là đã có đóng góp nội dung quan trọng về việc cần đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp các dịch vụ cần thiết liên quan đến vaccine, điều trị y tế trong Nghị quyết 2562 (2021) của HĐBA về kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận vaccine Covid-19 tại các khu vực xung đột thông qua vào tháng 2/2021.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu quốc tế tại Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu quốc tế tại Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thông qua sự tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về vấn đề này, Việt Nam đã thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời tỏ rõ tinh thần, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, khẳng định vị thế, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong vấn đề “Bảo vệ thường dân”, một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại HĐBA và các diễn đàn quốc tế, và bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể.

Phiên thảo luận "Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang" là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế nói chung và luật nhân đạo quốc tế nói riêng, đóng góp vào các nỗ lực chung về xây dựng hòa bình và thiết lập một nền hòa bình bền vững, là ưu tiên tổng thể của Việt Nam khi tham gia HĐBA.

Ba sự kiện điểm nhấn trong tháng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam (tháng 4/2021): - Phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” ngày 19/4. - Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” ngày 9/4. - Phiên họp cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” ngày 27/4.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-va-hoi-dong-bao-an-nguoi-dan-con-lai-gi-sau-xung-dot-vu-trang-143487.html